(VOV5) - Hơn 10 năm trước, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, là địa phương đi đầu cả nước về bảo vệ môi trường với mô hình nói không với túi ni lông, phân loại rác tại nhà.
Nay, Hội An tiếp tục là địa phương đầu tiên cả nước thí điểm mô hình thu phí rác thải theo khối lượng phát thải.
Lượng du khách đến thành phố Hội An ngày càng tăng gây phát sinh lượng rác thải rất lớn. Ảnh: Long Phi/VOV |
Thành phố Hội An đang thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân nhằm hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo luật Bảo vệ môi trường.
Thành phố (TP) đã triển khai phương án thí điểm thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo lượng phát sinh tại phường Cẩm Nam (TP.Hội An). Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), bước đầu TP.Hội An chọn 450 hộ phân loại tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm.
Cụ thể, chất thải thực phẩm (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ xanh); chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (tự thu gom, xử lý tại nhà) và chất thải rắn sinh hoạt khác (lưu chứa vào túi chất thải màu trắng trong, chữ đen).
Từ khi triển khai chương trình, các hộ gia đình được mua loại túi ni lông gồm 10 lít, 15 lít, 20 lít và lớn nhất là 40 lít. Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít giá 5.000 đồng, loại 20 lít 7.500 đồng, loại 30 lít 10.000 đồng và loại 40 lít giá 15.000 đồng.
Từ năm 2023, bà Nguyễn Thị Ý chuyển sang mua túi ni lông, phân loại rác vô cơ và hữu cơ ngay tại nhà. Ảnh: Long Phi/VOV |
Với mức thu bình quân 30.000 đồng/hộ gia đình như lâu nay, mỗi hộ thay vì trả tiền mặt thì sẽ mua túi ni lông tương đương với "mệnh giá" 30.000 đồng. Theo đó, mỗi hộ sẽ mua được 16 túi loại 10 lít, với loại 15 lít thì sẽ mua được 6 túi, loại 20 lít sẽ mua được 4 túi… Theo ngày luân phiên trong tuần, xe thu gom rác sẽ tới các khu dân cư để chở rác đi.
Bà Nguyễn Thị Ý, cư dân phường Cẩm An, Hội An, cho biết: "Mình nên phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu đi rác thải ra môi trường. Bởi vì phải chở rác đi tập kết thì chi phí tốn rất nhiều."
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm khoảng 30% lượng rác chôn lấp, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành tài nguyên. Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững.
Ông Hùng chia sẻ: "Thu phí rác theo khối lượng thì người dân phát thải ít sẽ nộp tiền ít, ai phát thải nhiều sẽ phải nộp tiền nhiều. Điều đó hướng đến lẽ công bằng. Thói quen của người dân cũng sẽ thay đổi."
Hiện thành phố Hội An mới thí điểm làm trước tại một phường để rút kinh nghiệm, bước đầu tỷ lệ thành công đạt hơn 50%. Cách thức tính phí thu gom rác theo thể tích dù có nhiều điểm cần hoàn thiện nhưng đây sẽ là xu hướng của tương lai để đánh vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân.