(VOV5) - Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Đại diện các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới cùng các chuyên gia Nhật Bản và Thái Lan tham dự hội thảo. |
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới bắt đầu triển khai chương trình chia sẻ kiến thức nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Chương trình được thực hiện theo ba giai đoạn từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2020.
Hoạt động đầu tiên trong chương trình là hội thảo chuyên đề tổ chức ngày 07/08, tại Hà Nội, nhằm nâng cao hiểu biết về bản chất của các vấn đề, thách thức mà Việt Nam gặp phải trong việc chăm sóc người cao tuổi. Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và Thái Lan đã chia sẻ bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách và thể chế giải quyết vấn đề dân số già hóa có xem xét đầy đủ các tác động tài chính đi kèm.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tốc độ già hóa dân số cao tại Việt Nam sẽ có nhiều tác động về kinh tế, xã hội và tài chính. Do đó, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phát triển hệ thống chăm sóc y tế - xã hội toàn diện và bền vững về tài chính để người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết.
Với xu hướng phát triển dân số như hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân tố Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, từ 7% lên 14%, ngưỡng để một quốc gia được coi là có dân số già, trong khoảng 17 năm tới. Theo dự báo, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2035.