(VOV5) - Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện nay diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha.
Ảnh minh họa
|
Hôm nay (04/04) là Ngày thế giới phòng, chống bom mìn, với chủ đề “Khu đất an toàn”. Với Việt Nam, một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nặng nề sau chiến tranh, việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động bởi bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả xã hội.
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), cho biết: “Theo kế hoạch hàng năm của Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam phải rà phá đạt được khoảng 50 nghìn hécta/ năm thì mới đạt được tiến độ theo chương trình đã đặt ra trong giai đoạn 2010-2025. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực trong nước và quốc tế. Năm 2018 đã rà phá được khoảng hơn 30 nghìn hécta trong phạm vi toàn quốc với sự hỗ trợ từ: Nguồn vốn của Chính phủ, nguồn vốn của doanh nghiệp, nguồn với của nước ngoài tài trợ”.
Bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với nhiều người dân. Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện nay diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn rải rác tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung.