(VOV5) - Phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến những tháng đầu năm 2018 và dự kiến nhu cầu tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối đe dọa ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng biển; ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hiện phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam và lượng phế liệu đang ùn ứ tại nhiều cảng trên cả nước. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu phế liệu của Việt Nam tăng đột biến, hơn 3 triệu tấn, gấp gần 2 lần so với năm ngoái.
Nhiều loại hàng phế liệu nhập vào Việt Nam |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, cần phải tìm giải pháp ngăn chặn phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, nếu không Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải phế liệu của thế giới. Ngoài tác động về kinh tế-xã hội, phế liệu về Việt Nam còn ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Qua kiểm tra cho thấy lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của thành phố Hồ Chí Minh, cùng một lượng nhỏ ở cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép.
Ngoài việc phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày, các cảng kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định: "Chúng ta đang tìm cách ngăn chặn, tất nhiên những hàng đã vào Việt Nam thì sẽ có những bước xử lý tiếp, còn vấn đề cấp bách là cần tìm những biện pháp để ngăn chặn lượng hàng tiếp tục đổ về Việt Nam. Đây là xu thế trở nên hiện hữu và đe dọa lớn nếu chúng ta không làm kịp thì sẽ còn đem lại hậu quả lớn hơn nữa. Thời gian trước mắt thì chúng ta cũng chưa thể cấm ngừng 100% với việc nhập khẩu phế liệu. Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng cần có chiến lược liên quan đến việc sử dụng phế liệu nói chung để làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có nhập khẩu".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiến hành rà soát, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Hải quan và Luật Hàng hải. Đặc biệt là tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu. Đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt việc lợi dụng tạm nhập, tái xuất và trung chuyển phế liệu vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng. Mặt khác, làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không cấp mới giấy phép nhập phế liệu vào Việt Nam.