(VOV5) - Thành phố đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Hôm nay (10/10), kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2023). 69 năm trước, hàng vạn người dân Hà Nội vui mừng đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt và vẻ vang của nhân dân Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954 - Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Nhân dịp này, bài viết trên báo Hà Nội mới với nhan đề “Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển” đã nhấn mạnh: Hà nội đang đứng trước thời cơ và cơ hội phát triển mới. Theo bài báo, Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thế hoa mục tiêu trở thành Thành phố “văn hiến-văn minh-hiện đại” như Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị (năm 2022) đã đề ra. Theo đó, với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô. Thành phố Bắc sông Hồng bao gồm 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài. Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được bàn giao về Hà Nội quản lý, làm hạt nhân.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến (văn hóa Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, văn hóa Thăng Long, Kẻ Chợ); nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ... Về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Khi được Quốc hội thông qua (dự kiến tại kỳ họp tháng 10 tới), đây sẽ là con đường phát triển của Thủ đô trong 20-40 năm tới, nên ý nghĩa là rất hệ trọng.
Nhân 69 năm ngày giải phóng thủ đô, tại Hà Nội cũng diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm. Sáng nay (10/10), tại huyện Thạch Thất, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội tổ chức khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Dự án nhằm thực hiện các quy hoạch kết nối giao thông đường bộ của quốc gia và của Thủ đô Hà Nội. Trước đó, hôm qua, diễn ra Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023.