(VOV5) - Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của nền y học trên thế giới, bởi đây là phương pháp duy nhất cứu sống một số người bệnh suy tạng giai đoạn cuối.
Hiến tặng mô, tạng là hành động cao đẹp, nhân văn, đem lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh có nhu cầu cấy, ghép tạng. Khi cộng đồng cùng hiểu biết và chia sẻ với hoạt động nhân văn này, sự sống sẽ được nối dài. Những năm gần đây, phong trào hiến mô tạng ở các địa phương được lan tỏa rộng rãi, ghi nhận số ca ghép tạng ngày càng gia tăng.
Sáng 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”. Ảnh: VOV |
Tại lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi", vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến mô, tạng và kêu gọi người dân chung tay tình nguyện thực hiện nghĩa cử này nhằm cứu sống người bệnh. Chỉ 2 tuần sau lời kêu gọi của Thủ tướng, cả nước đã có thêm gần 10.000 người đăng ký hiến mô tạng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, hơn 1.300 cán bộ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh đã đăng ký hiến tặng mô, tạng. Anh Trần Văn Trường, nhân viên y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng, chia sẻ: “Tôi thấy sau khi chết mà vẫn giúp được người khác là một việc làm quá tốt. Có nhiều bệnh nhân đang khắc khoải từng ngày để được ghép mô, tạng. Việc hiến mô, tạng là việc làm hết sức nhân văn. Với tôi, đó là cách bày tỏ lòng biết ơn với cuộc sống”.
Ông Dương Quang Đông luôn gìn giữ những kỷ vật của con trai để lại. Ảnh: VOV |
Những tấm gương, câu chuyện về các cá nhân hiến tạng trên cả nước cũng đã lan tỏa, chạm đến trái tim của cộng đồng, trong đó có thân nhân của những người đã chết não. Tại tỉnh Quảng Ninh, ông Dương Quang Đông và bà Nguyễn Thị Nhận đã rất đau buồn khi người con trai, lao động chính trong gia đình, gặp tai nạn bị chết não. Nhưng, nén nỗi đau, cả hai ông bà đều có cùng suy nghĩ hiến tạng của con trai để giúp những bệnh nhân khác có cơ hội được sống. Ông Dương Quang Đông chia sẻ: “Tôi mong muốn những người nhận tạng của con tôi sẽ khỏe mạnh và lúc nào cũng khỏe mạnh. Tôi thấy việc hiến tạng là điều nên làm. Người xưa quan niệm xương cốt thì nên giữ lại, nhưng tim, gan có đi thiêu thì cũng cháy, đi chôn thì cũng phân hủy, không còn lại gì. Nên tôi nghĩ hiến tạng để cứu người và phần nào cơ thể của con tôi vẫn được sống”.
Hiến tạng là hành động hết sức cao đẹp, bởi ghép tạng được coi là biện pháp điều trị cuối cùng cho các bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Vượt qua nhiều rào cản từ tâm lý và gia đình, thời gian qua, nhiều cá nhân đã mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người sau chết não để trao cơ hội sống đến người bệnh cần ghép tạng. Chị Huỳnh Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, là một trong những người đầu tiên tại địa phương đăng ký hiến tạng. Với thâm niên hoạt động thiện nguyện nhiều năm với 84 lần tham gia hiến máu, chị Trang quan niệm tình người, sự đồng cảm, yêu thương và sống có ích là khi giúp được những người xung quanh. Bởi vậy, chị có nguyện vọng hiến mô, tạng khi qua đời để cứu giúp những bệnh nhân đang mong mỏi được kéo dài thêm sự sống: “Mình thấy có những người khi họ qua đời mà hiến mô hiến tạng thì cứu được 7 người. Ví dụ 2 giác mạc thì có thể giúp 2 người tìm lại ánh sáng và tất cả các bộ phận trên cơ thể khi mình hiến thì cũng giúp được những bệnh nhân duy trì sự sống. Từ suy nghĩ đó, mình đã đăng ký với trung tâm quản lý mô tạng và mình sẽ hiến mô, tạng khi qua đời”.
Ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: VOV |
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của nền y học trên thế giới, bởi đây là phương pháp duy nhất cứu sống một số người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Ngoài thận và gan có thể hiến, tặng khi người hiến còn sống, các mô và tạng khác chỉ được phép lấy và ghép khi người hiến mô, tạng đã chết hoặc chết não. Hiện nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam được đánh giá ngang tầm với khu vực và quốc tế, giúp cho nhiều bệnh nhân được nối dài sự sống. Tại Huế, sau 23 năm, kể từ ca ghép thận đầu tiên thành công, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công hơn 1.800 ca ghép tạng. Thời gian gần đây, việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người tại tỉnh Thừa Thiên - Huế được nhiều người dân tích cực hưởng ứng.
Ông Hoàng Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết Hội xác định nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa hiến mô, tạng là nhiệm vụ quan trọng: “Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, tổ chức các buổi chia sẻ với người dân. Thông qua các buổi sinh hoạt, chúng tôi nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng kí hiến mô, hiến tạng đến tất cả người dân để họ hiểu được sự quan trọng của việc hiến mô hiến tạng, giúp cuộc sống của người bệnh hoàn cảnh khó khăn có một tương lai tươi sáng”.
Từ những suy nghĩ đầy tình người của mỗi người trong xã hội, đã có thêm nhiều nghĩa cử cao đẹp góp phần nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng đã tắt hết hy vọng. Mỗi cuộc đời được hồi sinh sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ nghĩa cử hiến tạng, cứu người đầy tính nhân văn, cao đẹp và đáng trân trọng.