(VOV5) - Chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam, tại các địa phương trong cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi.
Hôm nay (28/06), là Ngày Gia đình Việt Nam. Năm nay, ngày này có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” với ý nghĩa nhấn mạnh hạnh phúc gia đình đồng hành với sự thịnh vượng của đất nước. Chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm lan tỏa và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt.
Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Ngày hội gia đình Việt Nam. Ảnh: Báo Văn hóa |
Tuần qua, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2023. Ngày hội với điểm nhấn là triển lãm ảnh “Nơi tôi đến” trưng bày gần 70 bức ảnh phản ánh khoảnh khắc chân thực về giá trị gia đình Việt, với hình ảnh những người lao động lên thành phố mưu sinh, vượt qua những khó khăn để chăm lo con cái học hành và xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong khuôn khổ Ngày hội, còn có hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình Việt.
Chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam, tại các địa phương trong cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, với các điểm nhấn, như: chương trình “Vòng tay yêu thương” và Hội thi ẩm thực “Bữa ăn gia đình, gắn kết yêu thương” tại tỉnh Bến Tre; Hội thi Tìm hiểu kiến thức công tác gia đình, bình đẳng giới năm 2023 do tỉnh Hậu Giang tổ chức; Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc năm 2023 tại tỉnh Bắc Giang…; cùng với đó là các cuộc gặp mặt, giao lưu, chương trình tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố… Anh Đặng Văn Mẫu, người dân tộc Dao ở xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, 1 trong 85 gia đình được biểu dương là Gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Sơn La, chia sẻ: "Gia đình văn hóa và hạnh phúc phải có điều kiện kinh tế phát triển, gắn liền với bản sắc văn hóa của cộng đồng nơi mình sinh sống. Với cá nhân, gia đình tôi luôn gương mẫu trên mọi phương diện công việc, cuộc sống. Ông bà, bố mẹ lắng nghe, tuyên truyền con cháu nỗ lực học tập tốt, cố gắng phấn đấu ổn định kinh tế gia đình. Đặc biệt, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc người Dao, tôi đi đâu cũng mang trang phục của mình và tuyên truyền bà con giữ gìn bản sắc, loại bỏ hủ tục".
Dịp này, nhiều gia đình Việt nam chọn những ảnh đẹp đưa lên mạng xã hội để chia sẻ với mọi người |
Lan tỏa truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi gia đình Việt cũng chính là một trong những yếu tố góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho rằng: "Xây dựng gia đình văn hóa trên 3 trụ cột là tình cảm, dư luận xã hội và bảo tồn bản sắc dân tộc - đây là 3 trụ cột đóng vai trò hết sức quan trọng, được xây dựng một cách đồng đều. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cơ sở, đặc biệt là chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, để phong trào xây dựng gia đình văn hóa được lan tỏa trong cuộc sống".
Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững đã tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, qua đó, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sự phát triển của gia đình, tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người.