(VOV5) - Các chuyên gia nhìn nhận về vấn đề này theo nhiều góc nhìn khác nhau.
Nhu cầu thuê giúp việc gia đình ở các thành phố lớn ngày càng gia tăng. Song nhiều người trong số này là lao động di cư, không được ký hợp đồng làm việc. Các chuyên gia nhìn nhận về vấn đề này theo nhiều góc nhìn khác nhau. Theo Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và cộng đồng, có tới 89,7% giúp việc gia đình không ký kết hợp đồng với chủ nhà. Điều này cũng dễ hiểu khi có tới 70% giúp việc gia đình chưa biết đến các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi người lao động do trình độ học vấn khá thấp.
Ảnh: nld.com.vn |
TS Ngô Thị Ngọc Anh cho biết: Ở Việt Nam chưa có hợp đồng tiêu chuẩn cho giúp việc gia đình và người sử dụng. Định kiến của mọi người về giúp việc gia đình còn nặng nề, chưa xem đây là một nghề. Trong khi đó, người giúp việc lại không muốn ký hợp đồng do thiếu hiểu biết hoặc không nắm được thông tin. Về phía chủ sử dụng lao động lại không muốn ký hợp đồng vì lắm ràng buộc. Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB và XH Tống Thị Minh cũng chỉ ra khó khăn trong việc ký hợp đồng giữa hai bên. Bà Tống Thị Minh cũng khẳng định, lao động giúp việc gia đình đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Giúp việc gia đình không chỉ tăng cơ hội việc làm, trả công đối với một bộ phận lao động mà còn tạo ra việc chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật một cách chuyên nghiệp và có chất lượng hơn.
Ở Việt Nam, mặc dù hành lang pháp lý đối với giúp việc gia đình đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế phần lớn người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm hết những quy định của pháp luật đối với lao động. Chính vì vậy, cần khắc phục rào cản này bằng việc phải có một hợp đồng mẫu mang tính chất gợi ý, khuyến cáo để các bên có thể tham khảo đưa vào thỏa thuận một hợp đồng tương đối đầy đủ.