Lao động giúp việc và quyền lợi của chính mình, những điều cần biết

(VOV5) -  Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình

Mặc dù thuộc đối tượng được quy định và điều chỉnh trong Bộ luật Lao động năm 2012, tuy nhiên việc triển khai quy định ký kết hợp đồng lao động đang gặp phải sự bất đồng từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình.

Lao động giúp việc và  quyền lợi của chính mình, những điều cần biết - ảnh 1 Đa số người giúp việc gia đình không muốn kí hợp đồng lao động. Ảnh: anninhthudo.vn

Theo Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, người giúp việc hiện nay đa số không hiểu biết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên dù trong luật đã quy định người giúp việc cũng được coi là người lao động, họ được ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi và được đóng bảo hiểm xã hội thì nhiều người vẫn không có nhu cầu đòi quyền lợi cho mình. Luật sư Đặng Hữu Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, giúp việc chưa thực sự được coi là một nghề dù Việt Nam đã ban hành một số quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình như: Bộ luật Lao động năm 2012, Mục 5 (từ Điều 179-Điều 183) có quy định rõ điều khoản về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, kỷ luật lao động và trách nhiệm giải quyết các vấn đề lao động; Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình; Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP…  

Thực tế việc áp dụng pháp luật vào quan hệ lao động này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều người lao động và sử dụng lao động chưa biết hoặc biết nhưng không thực hiện các quy định của pháp luật vẫn diễn ra. Tình trạng người sử dụng lao động và người lao động giúp việc gia đình không ký hợp đồng lao động, chủ yếu là thỏa thuận miệng với những nội dung rất đơn giản, sơ sài vẫn là hiện tượng phổ biến. Việc không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật là một khó khăn lớn trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi có xâm phạm xảy ra. Vì thế cần sớm đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về lao động giúp việc gia đình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác