(VOV5) - Sáng 05/09, hơn 23 triệu học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc tham dự lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023.
Tại Hà Nội, hơn 2,2 triệu học sinh Hà Nội chính thức bước vào năm học mới. Lễ khai giảng được các trường tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, tạo không khí tươi vui, hứng khởi; tạo động lực cho học sinh bước vào năm học mới.
Học sinh khối lớp 12 trường THPT Việt Đức, Hà Nội chào cờ trong lễ khai giảng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN |
Tại khu vực miền Trung, trong năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dành 388 tỷ đồng đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Sau Lễ khai giảng, các nhà trường tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống về trường, về quê hương. Hiện nay, tập trung cho các cấp bậc học triển khai dạy học theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Đảm bảo tất cả các trường tiếp tục phát huy những ưu điểm trong chuyển đổi số, trong ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức dạy học, vào đổi mới phương pháp dạy học".
Lễ khai giảng tại trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VOV |
Cùng với học sinh cả nước, sáng 05/09, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2022 -2023. Năm học này, toàn tỉnh có hơn 450.000 học sinh các cấp học, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 56%. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục Đắk Lắk trong năm học mới 2022 – 2023 là tiếp tục quan tâm hơn nữa đến học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ông Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: : "Năm học này nhà trường đặt mục tiêu duy trì kết quả giáo dục đại trà 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Thứ hai chúng tôi đặt ra chất lượng mũi nhọn sẽ tham gia đầy đủ các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt chúng tôi chú trọng và tìm giải pháp hiệu quả cho giáo dục chuyên biệt đối với trường dân tộc nội trú đó là giáo dục dân tộc và giáo dục văn hoá dân tộc trong nhà trường".
Tại thành phố Cần Thơ, trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố thực hiện chương trình “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch” hỗ trợ học bổng đến năm 2026 cho các em học sinh có cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ mất do COVID-19. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, cho biết: "Cùng với hệ thống chính trị, các mạnh thường quân, các nhà tài trợ cũng tặng, trao quà cho các em tập, vở, quần áo, sách giáo khoa, bảo hiểm y tế. Chúng tôi trước mắt sẽ trao tặng 1.000 thẻ bảo hiểm y tế. Cùng với tặng quà, tặng phương tiện đi lại cho các em như xe đạp, chúng tôi cũng hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven đô thị thuộc các quận/huyện trên địa bàn".
Cũng trong sáng 05/09, thầy và trò các trường tiểu học trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cùng tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023. Tại Lễ khai giảng, chính quyền và các đơn vị đang làm nhiệm vụ trên các đảo trao tặng các em học sinh nhiều suất quà ý nghĩa, nhằm động viên các em chăm ngoan, học giỏi, đạt thành tích cao trong năm học mới.