(VOV5) -Hội đồng Chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải.
Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII, năm 2017 được tổ chức tối 21/6, tại Hà Nội. Tới dự sự kiện có Tổng Bí thư BCH TW ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành; các nhà báo lão thành cùng đông đảo nhà báo trong cả nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Giải báo chí Quốc gia 2017. Ảnh TTXVN |
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vui mừng được biết năm nay là năm có số lượng các tác phẩm báo chí tham dự Giải cao nhất từ trước đến nay, chất lượng các tác phẩm ngày càng được nâng lên. Điều này cho thấy sức thu hút của Giải Báo chí quốc gia và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.
Phó Thủ tướng đề nghị báo chí tiếp tục nắm vững, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước; tiếp tục phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội tích cực của báo chí... Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, ngành làm tốt việc định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại.
Hội đồng Chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí, trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính phản biện, tính chiến đấu, tính nhân văn, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản.