(VOV5) - Phiên thảo luận diễn ra chiều nay (26/5), tại hội trường Diên Hồng, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Lần đầu tiên, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Theo báo cáo của ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có gần 2.600 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; trong đó đã giải quyết gần 2.500 kiến nghị, đạt tỷ lệ 99,8%.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 26/5. Ảnh: Duy Linh |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; cho rằng điều này sẽ góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc Quốc hội, các bộ, ngành tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri. Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu: "Tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội đã đưa một nội dung rất quan trọng về công tác dân nguyện để thảo luận. Điều này thể hiện hiệu lực, hiệu quả cũng như việc đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Qua báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có thể thấy rằng vai trò trách nhiệm Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đặc biệt của Chính phủ đã rất quyết tâm và nỗ lực trong việc trả lời những ý kiến kiến nghị của cử tri và khẳng định được vai trò của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân".
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Duy Linh |
Để đảm bảo tính hiệu quả trong giám sát giải quyết các kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn thành phố Hà Nội, cho rằng: "Cử tri biết nhiều, biết rộng và đặc biệt biết rõ những vấn đề gần họ, liên quan đến họ. Và đại biểu Quốc hội cần nghe, cần biết vì thế mới có hoạt động tiếp xúc cử tri. Mọi kiến nghị của người dân đều quan trọng, cần được xem xét và giải quyết. Nhưng để làm được, quan trọng nhất là tổ chức những buổi tiếp xúc cử tri có sự có mặt của đại diện chính quyền, những người thực quyền lắng nghe kiến nghị của dân để tìm cách giải quyết cho dân. Làm được như vậy, hoạt động giám sát thông qua tiếp xúc cử tri, tiếp dân của Quốc hội mới có hiệu quả".
Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu hy vọng việc thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ tiếp tục được tiến hành trong những kỳ họp tới.