(VOV5) - Trong năm 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Ảnh: vov.vn |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN mới đây, ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), khẳng định: "Năm 2024 là một năm đặc biệt quan trọng, bởi vì đây là năm đề xuất cho chương trình đầu tư công cho giai đoạn tới. Vì vậy, chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ các kết quả đã triển khai chương trình và để có thể định hướng cho chương trình giai đoạn tới nhằm các mục tiêu đạt được tỷ lệ hộ nghèo như Quốc hội và Chính phủ giao. Năm 2024, trước tiên phải triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, đánh giá chương trình và nghị quyết về các chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình. Bên cạnh đó, cũng cần thiết tiếp tục thực hiện việc đẩy nhanh việc phân bổ và giải ngân vốn. Năm 2024, Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh các công tác giám sát và đánh giá để triển khai chương trình theo đúng mục tiêu và kế hoạch đặt ra."
Trong năm 2023, các chính sách, chương trình giảm nghèo của Việt Nam được triển khai thực hiện toàn diện, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ước tính,tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022).