(VOV5) -Với những ưu đãi đặc biệt từ thiên nhiên, Đà Lạt được xem là môi trường thuận lợi nhất để phát triển kỹ thuật nuôi trồng Nấm đông trùng hạ thảo trên quy mô công nghiệp.
Đông trùng Hạ thảo - một loại đông dược quý hiếm trong y học cổ truyền, gần như tuyệt chủng trong tự nhiên nhưng được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và nuôi cấy thành công ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Sản phẩm Nấm đông trùng Hạ thảo Đà Lạt đã được Bộ y tế Việt Nam chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy cùng đến thăm HANA's Farm, một trong những mô hình nuôi cấy khá thành công loại đông dược quý này ở thành phố Đà Lạt.
Nấm Đông trùng hạ thảo nuôi cấy theo phương pháp nhân tạo của công ty HaNa's farm, phường 9, đường Lữ Gia, Thành phố Đà Lạt - Ảnh Hà Linh |
Nghe bài viết tại đây:
Khu sản xuất nuôi trồng đông trùng hạ thảo có tên HaNa’s farm của kỹ sư Nguyễn Duy Hạng ở phường 9 đường Lữ Gia, TP Đà Lạt có diện tích hơn 1000m2, phân thành các phòng, khu riêng biệt, như nhà nguyên liệu tạo giống, khu nuôi trồng và khu thành phẩm. Quy trình nuôi khép kín theo 2 giai đoạn chính là cấy bào tử nấm Cordyceps militaris và nuôi trồng nấm. Sau khoảng 45 ngày sẽ cho ra đời những cây nấm đông trùng hạ thảo thương hiệu Đà Lạt với chất lượng không thua kém các loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc. Kỹ sư Nguyễn Duy Hạng cho biết khí hậu mát mẻ ở Đà Lạt chính là điều kiện lý tưởng nhất để nuôi trồng loại đông dược quý này với chi phí ít tốn kém.
Kỹ sư sinh học Nguyễn Duy Hạng, người có gần chục năm gắn bó với công trình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo ở Đà Lạt. |
“Đà Lạt là vùng đất có khí hậu rất nhiều ưu đãi, cao so với mặt biển 1700m. Đặc biệt nhất ở Đà Lạt khi nuôi nấm là sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm, khoảng gần 10 độ. Ban đêm từ 12-16 độ còn ban ngày từ 16-24. Sự chênh lệch đó rất tốt cho nấm phát triển. Với những thuận lợi đó, việc nuôi trồng không cần thêm các yếu tố nhân tạo như làm mát hay tạo độ ẩm như các nơi ở miền Bắc nóng lạnh thất thường phải dùng máy hạ nhiệt, dẫn đến chi phí cao hơn.” Kỹ sư Hạng cho biết,
Để tạo ra con nấm đông trùng hạ thảo cần theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất giống nấm, bảo quản nấm, ủ nguyên liệu rồi thực hiện việc nuôi cấy, sinh trưởng trong phòng hay nhà lưới với các thiết bị tạo ẩm độ, tưới nước tinh khiết tự động…Tất cả khu vực sản xuất đều qua các hệ thống khử trùng tuyệt đối, trong đó có hệ thống đèn cực tím với công suất được điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm, khối lượng thành phẩm khác nhau: “Có hai cách nuôi trồng để ra sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo. Thứ nhất nuôi trên môi trường tổng hợp là bột gạo và côn trùng. Gạo thì chọn gạo lức tốt hơn vì ổn định về mặt độ ẩm. Thứ 2 là nuôi nấm 100% trên côn trùng sống hoàn toàn. Sau khi thu hoạch, nấm có thể được chế biến ở dạng sấy đông khô,ăn tươi, pha trà, cô thành cao hay chế viên thuốc.”
Phải luôn bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, an toàn vệ sinh trong quá trình nuôi trồng nấm |
Theo quan sát khi quả thể nấm có màu vàng sậm là có thể thu hoạch được. Quy trình từ khi tiến hành nuôi trồng nấm diễn ra khoảng 45 ngày. |
Kỹ sư Duy Hạng, người có gần chục năm thử nghiệm và nuôi cấy đông trùng hạ thảo cho rằng, để có được năng suất nuôi trồng Nấm ổn định và chất lượng thì ngoài yếu tố nhiệt độ, độ ẩm còn phụ thuộc chính vào chất lượng giống nấm:
“Mà chất lượng giống ở đây là phải giữ giống và bảo quản giống khỏe, phải liên tục phát tán giống để làm cho ổn định về chất lượng, khả năng sinh trưởng, tạo ra những chất quả thể hàm lượng dinh dưỡng cao. Đó là một trong những yếu tố quyết định. Còn các công đoạn khác nằm trong quy trình chỉ cần làm sao đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn, điều chỉnh nhiệt độ cho nấm phát triển”.
Nhiệt độ trung bình ở Đà Lạt từ 12-25 độ C rất thích hợp cho phát triển nuôi trồng Nấm đông trùng hạ thảo với chi phí ít tốn kém. |
Nấm tươi đông trùng hạ thảo có thể dùng để pha chè rất tốt cho sức khỏe. |
Theo các nghiên cứu khoa học,thành phẩm Nấm đông trùng hạ thảo Đà Lạt có những dược tính sinh học tương đồng với nấm Đông trùng hạ thảo trong tự nhiên như loài được phát hiện ở cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc). Đây là một loài ký sinh trên các loài sâu trong tự nhiên trong suốt mùa đông lạnh. Đến cuối xuân và đầu hè nóng ấm, loài nấm ăn hết chất dinh dưỡng trong cơ thể con sâu, làm con sâu chết, rồi mọc lên thành các sợi thực vật trên mặt đất…
Về công dụng của Nấm, nguyên vụ trưởng Vụ y học cổ truyền Phạm Hưng Củng cho biết: “Trong nấm đông trùng hạ thảo có chứa khoảng 18 loai axit amin quan trọng cho sự phát triển cơ thể chúng ta, các vitamin A, C, nhóm B1,B12, vitamin E, K và các loạikhoáng chất Na, K, Selen đặc biệt là hoạt chất sinh hoc như Cordycepin, polisaccarit cũng như là adenozine đồng thời có nhiều các axit béo không no rất tốt là linolenic, olenic…Với thành phần quý như vậy, nấm có nhiều công dụng như phòng chống ung thư, tăng miễn dịch, giảm cholestron, hỗ trợ điều trị tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh gan, tim thận phổi”.
Nấm Đông trùng hạ thảo khô được nuôi cấy trên côn trùng sống có giá từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Sản phẩm thương hiệu Đà Lạt đã được xuất bán ở nhiều quốc gia |
Sản phẩm Đông trùng Hạ thảo thương hiệu Đà Lạt được Bộ y tế Việt Nam chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, công dụng tốt cho sức khỏe. |
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo thương hiệu Đà Lạt có giá bán trên thị trường từ 1,5 đến 5 triệu đồng/1kg nấm tươi. Còn sấy khô có thể từ hàng chục đến trăm triệu đồng tùy theo chất lượng. Nấm nuôi cấy trên môi trường sinh thể gạo thường rẻ hơn nhiều so với trên côn trùng sống. Vì nấm đông trùng hạ thảo chứa rất nhiều dược tính quý, phòng trị bệnh tốt nên những phụ phẩm giá thể nấm sau khi nuôi cònđược ứng dụng rất tốt trong chăn nuôi gà đẻ hay tôm.
Với những ưu đãi đặc biệt từ thiên nhiên, Đà Lạt được xem là môi trường thuận lợi nhất để phát triển kỹ thuật nuôi trồng Nấm đông trùng hạ thảo trên quy mô công nghiệp. Và, đây chính là tiền đề để hướng tới việc xây dựng Đà Lạt thành trung tâm đông trùng hạ thảo của Việt Nam và Đông Nam Á trong tương lai.