(VOV5) - Ngày 23/07, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.
Việc xây dựng Ngân hàng gen cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công, mà còn là niềm mong mỏi của nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Ảnh: dangcongsan.vn |
Những năm qua, định danh hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên. Trong đó, phương pháp giám định bằng ADN được coi là cốt lõi, nhất là với hài cốt thiếu thông tin, không thể định danh bằng phương pháp thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ. Trong đó gia đình 2 liệt sĩ Phan Minh Nham (tỉnh Thái Bình) và liệt sĩ Phạm Văn Phước (tỉnh Thanh Hóa) đã nhận được tin vui khi danh tính các anh đã được xác định chính xác sau gần 50 năm và được đưa về an táng tại quê hương:
-"Tôi là em trai của liệt sĩ Phan Minh Nham. Bây giờ, sau gần 50 năm mới đưa được anh tôi về quê hương. Gia đình tôi đã mong nguyện. Từ ngày bố mẹ tôi còn sống, cứ có tin anh tôi ở đâu là đi tìm. Giờ bố mẹ tôi mất rồi, anh em chúng tôi đã đưa được anh tôi về, như vậy là gia đình toại nguyện rồi".
-"Trước khi qua đời, bố mẹ tôi đã dặn phải đi tìm anh. Nhiều năm nay, gia đình tôi đi tìm anh rất vất vả. Hôm nay, tôi đã thực sự nhận được đúng anh tôi. Cuối cùng đã tìm được anh trở về".
Niềm vui của các gia đình liệt sĩ khi tìm thấy di hài người thân đã tạo thêm niềm tin và hy vọng cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính người thân của mình:
-"Bố tôi là liệt sĩ Phạm Văn Phong, hy sinh 26/10/1970 tại miền Đông Lào. Đến nay vẫn chưa biết phần mộ ở đâu. Gia đình đã đi tìm 20 năm nay nhưng vẫn chưa tìm thấy. Tôi vẫn luôn hy vọng và cố gắng làm sao để đưa được bố tôi về".
-"Cuối năm 1977, chúng tôi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Đoàn tôi có 10 người hy sinh, còn 1 đồng chí hy sinh tại tỉnh Tây Ninh nhưng chưa tìm được mộ. Chúng tôi là những người đồng ngũ rất áy náy, nhờ anh em trong miền Nam đi tìm tất cả các nghĩa trang nhưng không thấy. Chúng tôi mong mỏi tìm được đồng đội, đặc biệt đối với gia đình, vợ, con đồng chí đau đáu mong tìm được người thân".
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: baotintuc.vn |
Nỗi niềm của thân nhân và đồng đội các liệt sĩ cũng là một phần động lực để các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân gồm khoảng 600.000 người sẽ là cơ sở để từng bước giám định, lưu giữ trong ngân hàng gen là bước chuẩn bị tốt nhất để hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Chúng tôi cho rằng đây là việc làm có ý nghĩa, chúng ta càng làm sớm càng tốt. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, gian nan và phải làm bằng trái tim, trả lại tên cho các anh hùng, liệt sĩ. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp phần xoa dịu 1 phần những mất mát, hy sinh của thân nhân liệt sĩ".
Việt Nam có hơn 1,2 triệu liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ và đồng đội vẫn không ngừng tìm kiếm, khớp nối thông tin, với hy vọng đưa khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ về quy tập và xác định thông tin của gần 300.000 liệt sĩ trong các nghĩa trang trên cả nước.
Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban chỉ đạo 515) đặt mục tiêu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen… trong năm 2024, qua đó, giúp xác định danh tính cho nhiều liệt sĩ trên cả nước.