(VOV5) - Mục tiêu không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác là một trong ba trụ cột chính trong kế hoạch chiến lược mới UNFPA giai đoạn 2022- 2025.
Mô hình Ngôi nhà Ánh Dương thuộc dự án phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam đang triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương.
Sau 2 năm hoạt động, mô hình đã khẳng định hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Trên cơ sở đó, UNFPA và các đối tác quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên con đường chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bạo hành trên cơ sở giới có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu với mọi đối tượng. Theo một nghiên cứu quốc gia về bạo lực ở phụ nữ lần thứ 2/ 2019 do UNFPA hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam, hơn 90% nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và một nửa trong số họ chưa từng chia sẻ với ai về việc mình bị bạo hành.
Trong bối cảnh đó, Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập và vận hành ở Quảng Ninh vào tháng 4 năm 2020, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNFPA và Cơ quan phát triển quốc tế KOICA của Hàn Quốc, thông qua Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Đến nay, Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ cho 1 nghìn 148 phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, tiếp nhận và tiếp cận hơn 20 nghìn cuộc gọi đề nghị tư vấn và hỗ trợ cho gần 1.400 phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành.
Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh. Ảnh UNDP cung cấp |
Nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ người bị bạo lực, Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và thích hợp bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp, chuyển tuyến… cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình, trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm và quyền riêng tư được bảo mật.
Đánh giá cao về mô hình này, ông Lê Khánh Lương, vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động- Thương binh và xã hội) cho biết:. “Vụ Bình đẳng giới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá rất cao về mô hình Ngôi nhà Ánh Dương. Đây thực sự là một điểm sáng trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các dịch vụ, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đây sẽ là một căn cứ thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách cũng như mở rộng các mô hình như vậy tại Việt Nam”.
Tư vấn viên trực tổng đài 24/07 để nhận các cuộc gọi cấp cứu. |
Đằng sau sự thành công của Ngôi nhà Ánh Dương là rất nhiều con người đang ngày đêm tận tụy làm công việc hỗ trợ. Những cuộc gọi khẩn cấp có thể đến vào bất cứ thời gian nào, khó khăn vất vả thậm chí tiềm ẩn cả những yếu tố rủi ro đến sức khỏe, tính mạng nhưng họ luôn trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ.
Chị Đỗ Thị Lệ, cán bộ tư vấn tâm lý Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh chia sẻ: "Ở Quảng Ninh, không chỉ những nhân viên ở Ngôi nhà Ánh Dương mới làm hỗ trợ người bị bạo lực mà chúng tôi có kết nối chặt chẽ với các các cơ sở để cùng với cán bộ xã hội địa phương trong việc phát hiện ngăn chặn cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra các ban nhành chức năng khác nhau ở Quảng Ninh cũng có những trợ giúp người bị bạo lực một cách hiệu quả”.
Không gian thư giãn tại Ngôi Nhà Ánh Dương. |
Sau hơn 2 năm vận hành, mô hình đã cho thấy tính ưu việt trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Năm 2022, UNFPA tiếp tục hỗ trợ nhân rộng Ngôi nhà Ánh Dương tại 3 địa phương khác là Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản và Australia trong việc duy trì. Mỗi vùng miền có những đặc điểm riêng, Ngôi nhà Ánh Dương tại các địa phương đã bám sát vào thực tiễn để có những cách làm mới, sáng tạo, hoàn thành tốt công việc phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ những người bị bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương.
Theo bà Hà Quỳnh Anh, chuyên gia về nhân quyền và giới, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mô hình này cần được chia sẻ và nhân rộng ra các địa phương khác để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của những người bị bạo lực: “UNFPA tiếp tục phối hợp với đối tác để nhân rộng mô hình và điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của nạn nhân. Hiện nay ở Việt Nam mới có 4 mô hình chưa đủ để cung cấp tất cả các dịch vụ hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch nhân rộng thêm mô hình này hơn nữa. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chính sách hiện nay đang có ở Việt Nam. Trong chương trình quốc gia về phòng ngừa bạo lực giới giai đoạn 2021-2025 trong đó có việc xây dựng mô hình và tiếp tục nhân rộng cung cấp dịch vụ hõ trợ cho nạn nhân bạo lực giới.”
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia của KOICA tại Việt Nam. Ảnh Hà Linh |
Tin tưởng vào hiệu quả từ Ngôi nhà Ánh Dương ở Việt Nam trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia của KOICA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tới: “Vì Việt Nam là đối tác phát triển quan trọng nhất của Hàn Quốc. Lý do nữa là bạo lực giới không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới. Chính vì thế, hỗ trợ xử lý vấn đề này tại Việt Nam cũng là cách chúng tôi góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu nói chung. Trên cơ sở kết quả rất ấn tượng của giai đoạn 1, KOICA quyết định cung cấp một khoản tài trợ trị giá 5 triệu đôla cho giai đoạn tiếp theo từ 2023-2026. Trọng tâm là sẽ mở thêm 2 mô hình Nhà Ánh Dương nữa tại Khánh Hòa và Hà Tĩnh. Hi vọng mô hình này sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho những nạn nhân bạo lực giới, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống”.
Tại Ngôi nhà Ánh Dương phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới sẽ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu. Nguồn ảnh UNFPA. |
Mục tiêu không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác là một trong ba trụ cột chính trong kế hoạch chiến lược mới UNFPA giai đoạn 2022- 2025.
UNFPA và các đối tác quốc tế sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên con đường chấm dứt bạo lực, đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái có quyền được sống một cuộc sống không bị tổn hại nhân phẩm, không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 tại Việt Nam.