(VOV5) - Người cao tuổi có vai trò rất lớn trong việc hình thành những giá trị văn hoá gia đình; chọn lọc, phát triển và truyền lại những giá trị văn hoá tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau.
Người Việt Nam có truyền thống nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Vì lẽ đó mà còn tồn tại những gia đình “tứ đại đồng đường”, các thành viên trong gia đình sống hòa thuận, chăm sóc lẫn nhau và lưu giữ những nét đẹp gia đình truyền thống. Trong mỗi gia đình, người cao tuổi được xem là trụ cột gia đình, giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Cụ Châu Thị Thu cùng gia đình con trai (ông Phạm Xuân Hưởng) cùng ngồi trò chuyện
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người cao tuổi là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, có công lao trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Có biết bao người ông, người bà đã lấy đức độ, tình yêu thương của mình để xây dựng những gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”.
Cụ bà Châu Thị Thu, ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, năm nay vừa tròn 100 tuổi; gia đình cụ duy trì nếp sống “tứ đại đồng đường” đầm ấm, thuận hòa đã hàng chục năm nay. Là gia đình làm nông nghiệp nhưng cả 8 người con của cụ đều được dạy bảo, học hành đến nơi đến chốn và đều đã ở độ tuổi "thất thập". Hiện cụ Thu ở với vợ chồng người con thứ 2 là ông Phạm Xuân Hưởng cùng 2 cháu nội. Dù có sự chênh lệch lớn về tuổi tác, cách nghĩ, cách làm... những mỗi thành viên trong gia đình cụ đều ý thức được việc giữ gìn truyền thống gia đình. Con cháu kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ làm gương, bảo ban con cháu và tích cực tham gia công tác xã hội. Ông Diệp Ánh Sáng, hàng xóm của gia đình cụ Châu Thị Thu, cho biết: “Ôi tuyệt vời. 4 thế hệ mà gia đình cách mạng dòng dõi lắm. Cụ ông đã mất 10 năm nay rồi, anh em đông nhưng toàn cán bộ, công nhân viên Nhà nước, các cháu thì học đại học hết. Gia đình sống rất văn minh, rất có trên có dưới. Cả khu học tập theo chứ không riêng gì xóm”.
Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, đôi chân đi lại cũng có phần khó khăn nhưng cụ Châu Thị Thu rất thích xem ti vi, nghe đài. Cụ bảo giờ không đi đây đó được nữa nên phải xem, phải nghe để cập nhật tin tức, biết được những đổi thay của đất nước và cũng là để hiểu được giới trẻ là các cháu, các chắt của cụ sống cuộc sống hiện đại ra sao.
Các con cháu tổ chức Mừng Thọ cho cụ Châu Thị Thu dịp đầu xuân 2018
|
Sống chung 4 thế hệ, rất khác nhau về tư duy nên để giữ được nếp nhà, mỗi người phải biết “kính trên, nhường dưới”, biết lắng nghe và điều quan trọng là phải học cách kiềm chế “cái tôi” ích kỷ để cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình. Ông Phạm Xuân Hưởng, con trai cụ Thu cho biết nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau không phải không có khó khăn: “Để dung hòa được thì mỗi thế hệ phải hiểu được sự tiến bộ của xã hội chứ không nên giữ quan điểm lạc hậu, như thế sẽ rất khó để cùng chung sống. Và điều quan trọng là không phân biệt giữa các con trai, gái, dâu, rể để tạo sự gắn kết tình cảm gia đình giữa các thế hệ”.
Bà Hoàng Thị Quang, vợ ông Phạm Xuân Hưởng, con dâu trưởng của cụ Thu cũng cho biết: Hơn nửa thế kỷ làm dâu, mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu ban đầu không phải không có chuyện này, chuyện nọ... nhưng tất cả đều được hóa giải bởi sự bao dung của mẹ chồng và ý thức giữ đúng đạo dâu con. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, con dâu của bà Quang, cháu dâu trưởng của cụ Thu chia sẻ, đó cũng là tấm gương để các con dâu, cháu dâu của cụ Thu giữ được nền nếp gia đình. “Không nói thì mọi người cũng hiểu là người già có vai trò rất quan trọng. Quan trọng ở chỗ là định hướng cho các con, các cháu thấy được cái nguồn gốc xuất xứ của mình, rồi là các cháu cũng học hỏi được nhiều, biết được nếp sống của gia đình như thế nào, giữ lấy nếp nhà như thế nào. Bởi vậy nên cũng đôi lúc cháu hỏi ông về gia phả của gia đình. Những cái đó là sự tìm hiểu về gia đình, về dòng họ. Rất tự hào vì được ở trong gia đình có 4 thế hệ như thế này” - chị Tâm nói.
Người cao tuổi có vai trò rất lớn trong việc hình thành những giá trị văn hoá gia đình; chọn lọc, phát triển và truyền lại những giá trị văn hoá tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau. Gia đình cụ Châu Thị Thu, với 4 thế hệ cùng chung sống thuận hòa trong một mái nhà, thực sự là một trong những điển hình trong việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam.