(VOV5) - Việc đổi mới chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, là rất quan trọng đối với Nhật Bản trong thời điểm này.
Chiều qua (19/03), tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Tiên phong trong nỗ lực dịch chuyển lao động quốc tế giữa Nhật Bản và Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN |
Tại Hội thảo, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ishii Chikahisa, cho biết hiện tại Nhật Bản đang có nhu cầu nhân lực rất lớn đối với 12 ngành, nghề, như: sản xuất thực phẩm đồ uống, xây dựng, chế tạo máy, thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp, điều dưỡng… Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua. Trong đó, số thực tập sinh chiếm tới 40%.
Cũng tại Hội thảo, ông Nagata Yuki, Trưởng phòng Điều phối chính sách, Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, cho biết Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội Nhật Bản thông qua chế độ tiếp nhận lao động mới. Khi được thực hiện, chế độ sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm: ưu tiên bảo vệ quyền lợi của lao động nước ngoài ở Nhật Bản, tạo cơ hội thăng tiến cho người nước ngoài và bảo đảm người nước ngoài an tâm chung sống ở nước này… Do đó, lao động Việt Nam sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong thời gian tới.
Xã hội Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng. Do đó, việc đổi mới chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, là rất quan trọng đối với Nhật Bản trong thời điểm này.