(VOV5) - Theo các chuyên gia kinh tế, phân khúc nhà ở xã hội đang được trợ lực mạnh mẽ nhờ hành lang pháp lý vững chắc.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu cả nước sẽ hoàn thành việc xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội. Nhiều chính sách mới đi vào thực tế ngay từ đầu năm nay, đã giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, tăng nguồn cung.
Trên cơ sở Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023, Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) thông qua năm 2024, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội..., các tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng đang tích cực triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Ngay từ đầu năm, một loạt địa phương đã đăng ký triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Với mục tiêu hoàn thành 18.700 căn nhà ở xã hội trong năm nay, ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khẳng định: “Ngay trong những tháng đầu năm nay, chúng tôi sẽ khởi công một số dự án. Cụ thể, ngay quý 1 khởi công 3-5 dự án, Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại một số dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.”
Theo các chuyên gia kinh tế, phân khúc nhà ở xã hội đang được trợ lực mạnh mẽ nhờ hành lang pháp lý vững chắc. Không chỉ mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, những quy định mới trong Luật Nhà ở, Luật đất đai, Luật đấu thầu, còn khuyến khích thêm các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho người lao động thuê lại.
Cùng với việc tiếp tục triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (nay tăng lên thành 145.000 tỷ đồng) đã có, mới đây, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các Ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngay lập tức đã công bố gói tín dụng mang tên "Ngôi nhà đầu tiên", áp dụng cho người trẻ dưới 35 tuổi. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Trần Hùng Huy cho biết: “Người trẻ có tác động tích cực, toàn diện đến kinh tế và xã hội. Chính sách này không chỉ giúp cho người trẻ dễ dàng tiếp cận nhà ở và từ đó tăng thêm động lực làm việc, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn. Chương trình cũng thúc đẩy cho thị trường bất động sản và các ngành liên quan phát triển. Vì vậy, ACB đã tiên phong triển khai chương trình.”
Ngoài ACB, nhiều Ngân hàng thương mại khác cũng nhanh chóng vào cuộc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận nguồn vốn mua nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội ngay trong những tháng đầu năm đang có những tín hiệu bứt tốc. Đây là điều kiện quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm nay.