(VOV5) - Năm 2019, tại Việt Nam có gần 63 % phụ nữ phải chịu ít nhất hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời.
Các nam thanh niên hưởng ứng sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em - Ảnh: UN Women
|
Sáng 1/12 tại Hà Nội, diễn ra Chương trình Bữa sáng ruy băng trắng lần thứ 6 - Nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong chuỗi sự kiện kỷ niệm tháng hành động Phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em (từ 15/11-15/12).
Chương trình do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Cơ quan Liên Hơp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức với chủ đề “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Di cư an toàn và bình đẳng, cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó".
Theo điều tra quốc gia năm 2019, tại Việt Nam có gần 63 % phụ nữ phải chịu ít nhất hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời. Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cho rằng: "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Năm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em di cư an toàn, bình đẳng cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó” với một mong muốn thống nhất cơ chế phối hợp liên ngành đồng bộ hơn nữa, để hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ trẻ em đảm bảo quyền an toàn và bình đẳng của họ. Chúng tôi hy vọng rằng các lãnh đạo nam và các nam giới đưa ra được các ý tưởng, các hành động thiết thực khởi động cho quá trình thực hiện một cơ chế phối hợp liên ngành thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm trong thời gian tới".
Phát biểu tại chương trình, ông Chang-Hee Lee - Giám đốc tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nam giới trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Các chiến dịch truyền thông cần tập trung nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của nam giới hướng đến giải quyết gốc rễ của bạo lực.