Phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Sơn La

(VOV5) - Đó chính là điều kiện thuận lợi để thành phố Sơn La phát triển mô hình du lịch cộng đồng, một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Cách Thủ đô Hà Nội 300km, Sơn La sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng điều kiện khí hậu lý tưởng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên những mảng màu văn hóa đặc trưng, hấp dẫn. Đó chính là điều kiện thuận lợi để thành phố Sơn La phát triển mô hình du lịch cộng đồng, một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Chỉ mất vài phút di chuyển, du khách đã có thể tới các bản du lịch cộng đồng nằm ngay trong lòng thành phố và tận hưởng trải nghiệm khám phá hấp dẫn.

Cách trung tâm thành phố Sơn La chừng 5 km, bản Bó phường Chiềng An thuộc thành phố Sơn La có 255 hộ và 5 dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Hơ Mú, Khơ Mông. Bất cứ đoàn khách nào đến thành phố Sơn La cũng mong muốn được tận hưởng không gian văn hóa xã hội truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Sơn La - ảnh 1Homestay Tiến Quân tại bản Bó, phường Chiềng An, TP Sơn La. Ảnh: Thanh Thuận

Anh Nguyễn Tiến Quân, Chủ homestay Tiến Quân, bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, cho biết: Năm 2015, Thành phố Sơn La có nghị quyết 20 về phát triển du lịch cộng đồng, và chọn 4 hộ gia đình mở màn cho du lịch cộng đồng, trong đó có gia đình anh. Năm 2016 anh nghỉ hưu và được chọn làm người đi đầu trong lĩnh vực du lịch này. Đến 2017, đúng dịp Sơn La đăng cai ngày hội văn hóa Việt Lào, thành phố đã dồn sức với các hộ homestay đầu tư để đón khách.

Gia đình anh Quân cũng khai trương mô hình homestay từ tháng 7/2017 và duy trì đến nay. Anh chia sẻ: "Từ khi mở ra cũng có nhiều bỡ ngỡ, 1 số tỉnh đã làm rồi nhưng đối với mình qúa mới. Du lịch cộng đồng cũng khác các nhà hàng khách sạn, mình lại là người đi đầu nên nhiều vất vả. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy làm homestay tăng thu nhập cho gia đình, có dịp đầu tư sắm sửa cơ ngơi, sắm sửa các vật dụng có giá trị cho gia đình và phục vụ cho du khách. Chúng tôi cũng góp phần tạo việc làm cho các cháu có thu nhập, và thu mua được nông sản của địa phương, góp phần phát triển kinh tế tại địa bàn. Quan trọng đây cũng là địa điểm được giới thiệu quảng bá về quê hương, bản làng. Khách quốc tế hay khách nội địa đều biết được vẻ đẹp của quê hương Bản Bó. Homestay cũng góp phần tạo thêm vẻ đẹp cho bản làng."

Phát triển du lịch cộng đồng ở thành phố Sơn La - ảnh 2Bản Mòng, xã Hua La. Ảnh vietnamtourist.vn

Bản Hụm, phường Chiềng Xôm, cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 3km. Nơi đây có cảnh quan sơn thủy hữu tình với cánh đồng lúa, hang Thẩm Liêng và dòng Nậm La uốn lượn thanh bình. Bản Hụm hiện còn lưu giữ khá nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của người Thái, về kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực...  Tại bản Hụm, du khách có thể tham gia các hoạt động sản xuất cùng bà con như làm ruộng, bắt cá hoặc leo núi, khám phá hang động.

Nếu muốn gia tăng trải nghiệm, du khách có thể di chuyển khoảng 5km để đến với bản Mòng (xã Hua La), nơi có dòng suối nước nóng quanh năm ở mức nhiệt 36 độ C - 38 độ C, với các thành phần khoáng chất tự nhiên rất tốt cho sức khỏe...

Kể từ khi tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, cuộc sống của người dân bản Mòng (xã Hua La) cũng có nhiều đổi thay tích cực. Bản hiện có gần 60 gia đình cung cấp dịch vụ tắm khoáng và hai hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay.

Đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống tại các bản làng thuộc thành phố Sơn La, du khách sẽ thấy được những nét riêng có trong đó có ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ.

Với món dân tộc, chị Lù Thị Phúc, quê ở bản Bó, đầu bếp của Homestay Tiến Quân, ở bản Bó, cho biết: "Món ăn dân tộc Thái đặc sắc ở các gia vị cay nóng như gừng, sả, tỏi, ớt, mắc khén., kết hợp với các gia vị khác để dậy mùi. Ví dụ như gà thì cho thêm lá chanh, cá thì cho thêm húng chó, thì là, mùi tàu. Món Thái hầu hết là nướng, gà nướng cá nướng, thịt băm nấu lá dong… Một số món khác như canh bon, canh quả đắng theo mùa… Đó là những món mà chúng tôi đãi khách."

Về giao lưu văn nghệ, các homestay thu hút du khách giao lưu với các điệu múa của dân tộc Thái, Mèo, Mường, Mông, Lào, Khơ Mú… Khi giao lưu văn nghệ là có sự hòa đồng, khách vào múa cùng với đội văn nghệ. Du lịch cộng đồng là cùng ăn, cùng ở, cùng vui. Du lịch cộng đồng làm cho du khách thoải mái, và những người chủ cũng tự nhiên hơn, không có sự ngăn cách.

Chứng kiến sự đổi thay của các gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng ở Sơn La, chị Nguyễn Thương Ngân, một nhiếp ảnh gia kiêm thành viên của CLB Phượt Hà Nội, chia sẻ: "Tôi đến Sơn La từ mười năm trước và đã quay lại đây nhiều lần. Mừng nhất là chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện kể từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp. Tuy thế, bản sắc văn hóa cũng như tính cách của họ vẫn vậy, giản dị và hiếu khách."

Các mô hình du lịch cộng đồng ở thành phố Sơn La góp phần đắc lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhiều phong tục tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội, nghề thủ công truyền thống được phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị khi gắn với việc phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác