(VOV5) - Cần hướng đến xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể trong thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Họp Ban chỉ đạo dự án tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển ở Việt Nam - Ảnh: VOV |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 04/05, phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển ở Việt Nam”. Tại sự kiện, các đại biểu thống nhất về việc điều chỉnh kéo dài thời gian triển khai Dự án đến hết năm 2022 để nâng cao hiệu quả các hợp phần của dự án, đồng thời mong muốn sớm có những cơ chế và chính sách về bảo hiểm rủi ro thiên tai.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Ban chỉ đạo Dự án, cho rằng ngoài những kịch bản đưa ra nhằm ứng phó với rủi ro thiên tai cần hướng đến xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể trong thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cụ thể là chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai; khả năng chống chịu thiên tai từ nhà an toàn trước diễn biến bất thường của thiên tai.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: "Không phải thí điểm từ dự án này mà cần có kết quả cụ thể về chính sách về bảo hiểm rủi ro thiên tai ở Việt Nam như: Nghị định, kế hoạch cụ thể. Nếu như làm được điều này thì việc phòng chống thiên tai, đặc biệt là khắc phục hậu quả thiên tai là rất hiệu quả. Người hưởng lợi là người trực tiếp tham gia bảo hiểm sẽ có đầy đủ cơ chế tham gia. Thứ hai là hạ tầng trong ứng phó rủi ro thiên tai các địa phương ven biển là rất quan trọng. Mong muốn có cơ chế cụ thể hơn, ví dụ từ chính sách làm hơn 5 nghìn ngôi nhà từ dự án này, cần cụ thể hóa bằng chính sách cụ thể hơn của Nhà nước cần có hỗ trợ tiếp theo để có hiệu quả cụ thể hơn ít nhất là khu vực ven biển".
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển ở Việt Nam” đặt mục tiêu xây mới 4 nghìn nhà tại các điểm an toàn; trồng và phục hồi 4 nghìn ha rừng ngập mặn ven biển; tăng cường khả năng tiếp cận các dữ kiệu về tổn thất và thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu để sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội ở 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.