(VOV5) -Các cấp, ngành, cần nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học nói chung và khu bảo tồn nói riêng đối với biến đổi khí hậu; vai trò của công cụ quản lý đa dạng sinh học.
Nhân Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 23-29/06, Tiến sĩ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trả lời phỏng vấn báo chí về những vấn đề liên quan đến Quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chim Yểng tại tiểu khu rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Đề cập những giải pháp để quy hoạch không gian cho các khu bảo tồn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, ông Phạm Anh Cường cho rằng cần tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của biến đổi khí hậu tới các khu bảo tồn cũng như khả năng sử dụng hệ thống các khu bảo tồn như là các biện pháp giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đồng thời, thống nhất quy hoạch hệ thống khu bảo tồn; đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các quy hoạch khu bảo tồn đã được phê duyệt theo hướng lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu; rà soát đánh giá các quy hoạch trước đây nhằm điều chỉnh theo hướng quy hoạch không gian phục vụ mục tiêu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, xây dựng kỹ thuật quy hoạch không gian khu bảo tồn phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiếp thu các tri thức quốc tế; thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn nhằm mở rộng sinh cảnh liên kết để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các cấp, ngành, cộng đồng cần nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học nói chung và khu bảo tồn nói riêng đối với biến đổi khí hậu; vai trò của công cụ quản lý đa dạng sinh học, đặc biệt là công cụ quy hoạch không gian đối với phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.