(VOV5) - Trong gần 10 năm thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2011-2021), việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đặt được một số kết qủa đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, sự phát triển kinh tế đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, nhất là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... nên một số quan điểm không còn phù hợp và đòi hỏi thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN |
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật, cho biết: Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và đã được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, việc sửa đổi còn giúp bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam. Hơn nữa, qua đây còn góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.