(VOV5) - Việt Nam đang có những bước đi nhằm phát huy tối đa lợi ích của thời kỳ dân số vàng, thúc đẩy định hướng việc làm và tạo ra những công việc chất lượng và năng suất cao hơn.
Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2006, với gần 54 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó phần lớn là lực lượng lao động trẻ, tạo nền tảng thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong xu hướng cuộc cách mạng 4.0 đã đến gần, Việt Nam đang đề ra những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số, thúc đẩy phát triển đất nước.
Thời kỳ dân số vàng vừa tạo nhiều cơ hội đi liền với nhiều thách thức. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những nghiên cứu gần đây cho thấy thời kỳ “dân số vàng” tác động tích cực đến phát triển đất nước trên tất cả các phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường... sẽ kéo dài khoảng 20 năm nữa. Nếu Việt Nam tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào này sẽ tạo ra nhiều đột phá trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp thách thức khi phần lớn lao động trình độ chuyên môn còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 20% trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm...Đây là một thách thức không nhỏ đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ mà điển hình là cuộc cách mạng 4.0. Các doanh nghiệp sẽ tiến tới lựa chọn dùng robot dần thay thế con người. Anh Đặng Văn Hùng, công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ: “Việc đưa robot vào doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tới công việc của con người. Thực sự là em cũng rất lo lắng cho công việc của mình, bởi vì với tay nghề của mình thì kiếm được một công việc là rất khó”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả các lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hàng chục nghìn lao động Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất việc làm dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Nếu không sớm đưa ra các giải pháp thì Việt Nam không chỉ trở nên tụt hậu mà còn phải đối mặt với gánh nặng chính sách đảm bảo an sinh xã hội nhất là khi thế giới chuyển sang là giai đoạn phát triển dựa trên công nghệ, sáng tạo 4.0. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Chúng ta bây giờ không còn dựa được vào nhân công giá rẻ, thậm chí kể cả là hàng hóa giá rẻ cũng không còn phù hợp nữa. Vậy nên thay đổi là cần thiết và đây là cảnh báo cho mình để mình thực hiện".
Trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế nguồn nhân lực vàng hiện nay rất có thể còn trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng để phát huy được lợi thế của lực lượng lao động trẻ, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay từ khâu đào tạo. "Việc cần làm hiện nay đối với người lao động là phải nhanh chóng tự tích lũy tay nghề hoặc tìm cách tìm nghề nào để thích ứng với công việc mình đang làm hoặc công việc sắp tới để kéo dài được công việc. Thứ hai là hệ thống an sinh xã hội, phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Để khi những người này rơi vào thất nghiệp thì họ có thể đi học nghề để lo cuộc sống của họ, nếu không gánh nặng về mặt xã hội sẽ ngày càng nhiều lên. Chúng ta cần phải làm và làm ngay để cho những người lao động thích ứng được với những thay đổi của thị trường lao động" - ông Thọ nói.
Trên thực tế, ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng, khi tận dụng được tối đa trí tuệ, sức lao động của lực lượng lao động trẻ, tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tích lũy lớn cho tương lai sẽ là đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn “dân số già. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang có những bước đi nhằm phát huy tối đa lợi ích của thời kỳ dân số vàng, thúc đẩy định hướng việc làm và tạo ra những công việc chất lượng và năng suất cao hơn.