(VOV5) - Sáng nay (31/5), Q uốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhiều đại biểu quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương. Ảnh: VOV |
Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính…Điều này đã ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Do đó đòi hỏi cần triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động một cách kịp thời. Cũng đề cập đến người lao động, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Vì thế, đại biểu kiến nghị: "Các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân loại thất nghiệp thành ba loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra do quy luật cung cầu trên thị trường. Từ đó, có giải pháp giải quyết vấn đề hiệu quả".
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương. Ảnh: VOV |
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông, cho rằng: "Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân; có cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc người cao tuổi nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia và mỗi người dân".
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề cập tới việc nâng cao năng suất lao động nhằm tạo hiệu quả cho phát triển kinh tế.