(VOV5) - Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thường thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động giữa các quốc gia. Tín hiệu tích cực này của thị trường lao động cũng đặt ra không ít thách thức cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đây là nhận định của các chuyên gia tại phiên thảo luận về chủ đề "Tự do dịch chuyển lao động tại các nước ASEAN và các nước đang phát triển”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 vừa được tổ chức.
Lao động Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: nhandan.com.vn |
Theo ông Mohammed Azman (Tổ chức an sinh xã hội Malaysia), người lao động di cư hiện đang là vấn đề nóng không chỉ ở các quốc gia châu Á, mà trên phạm vi toàn thế giới. Hiện người lao động di cư khi đến làm việc ở một quốc gia khác thường chỉ quan tâm đến tiền lương và điều kiện làm việc, mà không quan tâm nhiều đến việc tham gia các chế độ bảo hiểm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Ông Kim Young Eil, Giám đốc Trung tâm phụ trách các vấn đề quốc tế tại Hàn Quốc cho rằng, trong thực tế, nếu không có hiệp định an sinh xã hội, nhiều người lao động di cư sẽ bị thiệt thòi khi dịch chuyển lao động.
Đối với Việt Nam, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) chia sẻ, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thường thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Hiện Việt Nam có 231.000 người tham gia BHXH tự nguyện, còn rất thấp so với 18 triệu lao động phi chính thức. Tìm lời giải cho bài toán đảm bảo an sinh xã hội đối với lao động di cư, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư. Đồng thời, loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư; giúp đỡ lao động di cư tiếp cận dần với các chính sách an sinh xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động… Theo ông Mohammed Azman, các quốc gia cần nhanh chóng có những giải pháp để thay đổi nhận thức, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng lao động di cư. Để làm tốt điều này, việc ký kết các hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia về BHXH là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất.