(VOV5) - Việt Nam đã tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực hiện giảm 8% phát thải khí nhà kính đến năm 2030 so với kịch bản thông thường.
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và đề cương Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.
Dự án có mục tiêu tổng quát là kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giam đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
Quang cảnh hội thảo- Ảnh Ngọc Anh |
Các tham luận tại hội thảo đề cập các vấn đề: phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: “Tôi cho rằng kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho sự phát triển bền vững. Gần đây, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng kinh tế, xã hội và môi trường là 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đây là ý tưởng mới để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường phải chú trọng hơn, đẩy mạnh xã hội hóa, doanh nghiệp cùng người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường nhằm tạo bước đột phát trong bảo vệ môi trường.”
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực hiện giảm 8% phát thải khí nhà kính đến năm 2030 so với kịch bản thông thường.