Thông tin biển đảo ngày 04/06

(VOV5) - Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6): Hướng đến kinh tế biển xanh

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6): Hướng đến kinh tế biển xanh

Việt Nam là quốc gia biển với diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, trong đó có hơn 3.000 đảo và hai quần đảo ngoài khơi - Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài theo hướng Bắc – Nam, cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Do đó, kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đánh giá được tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển (kinh tế biển xanh) hiện là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển. Các vùng biển, đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật. Biển Việt Nam được coi là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Ngoài khoảng 35 loại hình khoáng sản, dầu khí… các vùng biển, đảo Việt Nam là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng với hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên Thế giới.

Thông tin biển đảo ngày 04/06 - ảnh 1

Các lực lượng tham gia thu dọn rác trên âu tàu xã An Hải. ảnh: qdnd.vn

Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân Việt Nam luôn gắn liền với biển và biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, phát triển bền vững kinh tế biển đã trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển.
Theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam - Cơ hội và thách thức” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện) vừa công bố ngày 12/5, hoạt động kinh tế biển ở Việt Nam rất đa dạng và có tiềm năng cho việc phát triển công nghiệp dầu khí lâu dài và bền vững. Lĩnh vực dầu khí đóng góp đáng kể cho GDP và ngân sách, góp phần cung cấp nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển các vùng sâu, vùng xa, vì vậy cần có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài và hành lang pháp lý thuận lợi để huy động nguồn lực trong nước cho phát triển. Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá có nguồn điện từ gió ngoài khơi, thủy triều, sóng biển và dòng hải lưu rất lớn nếu được khai thác, sẽ đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh.

Du lịch ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó du lịch biển có vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 2/3 tỷ trọng của toàn ngành. Để tiến tới kinh tế biển xanh, Việt Nam đang thực hiện các giải pháp như: Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái nâng cao tiềm năng cho các hoạt động kinh tế (du lịch biển, thủy sản, năng lượng tái tạo...), xây dựng hệ sinh thái rừng ngập mặn giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân Lý Sơn

Trong 2 ngày 27, 28/5, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi và các đơn vị tổ chức Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn. Chương trình có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi như tuyên truyền pháp luật cho ngư dân về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, tuyên truyền ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài... Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, cho biết: Mục đích cuối cùng của chương trình là để bà con ngư dân hoạt động trên biển đúng luật pháp, cùng với Cảnh sát biển Việt Nam, cũng như các lực lượng chức năng khác trên biển góp phần tạo ra những cột mốc chủ quyền sống trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thông tin biển đảo ngày 04/06 - ảnh 2Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân lai dắt tàu cá của ngư dân bị nạn trên biển vào bờ. ảnh: VOV

Dịp này, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã trao gần 200 suất quà, tổng trị giá gần 200 triệu đồng tặng gia đình chính sách, ngư dân hoàn cảnh khó khăn tại huyện Lý Sơn. Đoàn cũng tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân Lý Sơn, tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân... Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2 cùng lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể huyện đảo Lý Sơn tham gia thu gom rác thải, vệ sinh môi trường làm sạch biển.

 

Vùng 3 Hải quân tìm kiếm, cứu nạn hàng trăm lượt ngư dân gặp nạn trên biển trong 5 năm qua

5 năm qua, các lực lượng Vùng 3 Hải quân đã tham gia cứu hộ, cứu nạn 24 tàu cá với hàng trăm lượt ngư dân gặp nạn khi đánh bắt trên biển, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 150 ngư dân. Các lực lượng của Vùng 3 Hải quân tổ chức tuyên truyền về biển đảo cho ngư dân trên 2.000 lượt tàu cá, huy động gần 4.000 ngày công giúp người dân ven biển các tỉnh miền Trung. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quận đội, Vùng 3 Hải quân đã hỗ trợ xây dựng 20 căn “Nhà đồng đội” tặng cán bộ, chiến sĩ hoàn cảnh khó khăn; đóng góp 6,5 tỷ đồng Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Phòng chống thiên tai. Đại tá Phạm Tiến Chinh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 3 Hải quân, cho biết: Đơn vị cử lực lượng tham gia trực chốt phòng chống dịch Covd-19, hỗ trợ hàng tấn rau, củ quả và bánh mì cho người dân gặp khó khăn: Hải quân là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển bảo đảm an toàn khi bà con ngư dân đánh bắt trên biển, gặp thiên tai, bão lũ thì chúng tôi sẵn sàng cứu trợ giúp đỡ bà con. Tàu thuyền của bà con ngư dân không may bị chìm không quản ngại cứu bà con đưa về đất liền. Chúng tôi còn vận đông tuyên truyền để bà con phối hợp cùng với Hải quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác