Thực hiện tốt Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

(VOV5) - Việt Nam đã hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh, trong đó, số lượng bom, mìn, vật nổ hiện còn nằm rải rác nhiều nơi. Theo số liệu thống kê, đến tháng 12/2020, Việt Nam vẫn còn 5,640 triệu ha đất bị ô nhiễm bom, mìn, chiếm 17,1% diện tích đất tự nhiên cả nước.

Thực hiện tốt Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh - ảnh 1Bộ đội công binh trục vớt quả bom lớn sót lại sau chiến tranh từ lòng sông Hồng, dưới trụ cầu Long Biên (Hà Nội) - Ảnh: nhandan.com.vn

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực để làm sạch các khu vực bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên cả nước. Hơn 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hằng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, học nghề, hỗ trợ sinh kế.

Thực hiện Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam đã hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; tổ chức tốt tuyên truyền, giáo dục nguy cơ phòng tránh tai nạn bom mìn trên các phương tiện truyền thông; các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn; giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn trực tiếp tại các trường học, khu dân cư. 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng.

Hoạt động đối ngoại quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn được triển khai tốt, đồng thời khai thác hiệu quả các nguồn tài trợ của Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Quỹ Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, chúng ta đã xây dựng được nghị định về khắc phục hậu quả bom mìn, ra các thông tư về các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quá trình thực hiện rà phá bom mìn cũng như là các chế độ chính sách đối với các nạn nhân bom mìn. Các địa phương đã có những văn bản chỉ đạo về quy hoạch, giáo dục dạy nghề cho các nạn nhân bom mìn. Đây là kết quả rất tích cực bởi nếu chúng ta không xây dựng được hành lang pháp lý thì tất cả các hoạt động có thể không thống nhất và không đáp ứng được yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác