(VOV5) - Trong gian khó, luôn tỏa sáng những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng, đồng hành cùng người dân vùng lũ vượt qua khó khăn.
Bão số 6 và ảnh hưởng sau bão đã gây thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, trong đó có các địa phương bị nặng là Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng… Đặc biệt, mưa lớn tiếp tục kéo dài những ngày qua gây ngập lụt ở nhiều khu vực. Trong gian khó, luôn tỏa sáng những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng, đồng hành cùng người dân vùng lũ vượt qua khó khăn.
Nghe âm thanh tai đây:
Ngôi nhà của bà Trần Thị Nở, ở thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhộn nhịp hơn vì đón những vị khách là các tình nguyện viên của Câu lạc bộ thiện nguyện cùng những cá nhân từ các địa phương khác hỗ trợ người dân ở các vùng bị ngập nặng. Bếp cơm di dộng dã chiến của cộng đồng tình nguyện Việt Nam được tổ chức tại đây hỗ trợ người dân vùng lũ của Quảng Bình. Vinh dự khi được tham gia hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện, bà Trần Thị Nở chia sẻ: Có đoàn từ thiện bếp cơm di động hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ… Chúng tôi xin làm hậu phương hỗ trợ những người tuyến đầu chống lũ, bà con ngập lụt. Nhà tôi may mắn cao, ở tầng 2 nên tầng 1 để dành cho các cô, chú, các cháu để phục vụ công tác đỏ lửa, nước nôi, chăm sóc các đoàn đi cứu trợ các địa phương.
Các lực lượng tham gia công việc bếp ăn |
Năm 2020, khi xảy ra lụt lớn miền Trung, gia đình bà Nở cũng đã tham gia các hoạt động hỗ trợ. Bà tham gia bốc hàng hóa để chuyển tới các vùng bị ngập nặng. Hai vợ chồng bà là bộ đội nghỉ hưu, nên luôn dành thời gian làm thiện nguyện, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn và cứu trợ người dân trong bão lũ.
Tổ kỹ thuật của Bếp cơm |
Với tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia trong khó khăn, khi được tin các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, nhiều cá nhân đã đồng hành, góp sức vào các hoạt động cứu trợ. Có rất nhiều câu chuyện càm động về những tấm lòng nhân ái mà chúng tôi được nghe kể. Có hai mẹ con từ Phú Yên quyết định đi bộ từng chặng, rồi đi nhờ các chuyến xe 0 đồng, mang theo những thùng mỳ, thùng gạo tới Quảng Bình, đồng hành cùng bếp cơm dã chiến. Được người thân, bạn bè hỗ trợ 2 triệu đồng, hai mẹ con đã tặng lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại đây. Chúng tôi kết nối với hai mẹ con khi đang tham gia cùng các thành viên tình nguyện và nghe họ chia sẻ: Mẹ em là Nguyễn Thị Kim Trang và em Lại Thị Quỳnh Hương. Một phần thương bà con Quảng Bình, đồng càm với bà con ở Quảng Bình. Em ra đi mong giúp đỡ được bà con. Em có nhóm riêng là Đoàn thiện nguyện kết nối yêu thương ở Tuy Hòa. Giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.
Chuẩn bị nguyên liệu cho Bếp cơm |
Con gái rủ mẹ đi thì tôi sẵn sàng, hai mẹ con cùng ý nguyện giúp cho bà con. Mẹ sẽ đồng hành cùng con và khó khăn thế nào thì hai mẹ con cũng sẽ cố gắng. Sẽ đi tới những nơi giúp đỡ cho bà con. Con gái tôi có nhóm thiện nguyện riêng và tôi là bếp chính của Nhóm kết nối yêu thương.
Những suất cơm lên đường tới các khu vực bị ngập |
Trên nhóm zalo hằng ngày, hằng giờ, các tình nguyện viên thông tin kết quả hoạt động, chia sẻ các công việc và chia sẻ khó khăn để cùng nhau giải quyết với tinh thần nhường cơm sẻ áo. Một thành viên có biệt danh là Bit của Câu lạc bộ thiện nguyện Trái tim thiên thần thành phố Đà Nẵng chia sẻ về công việc của mình tham gia hỗ trợ như sau: Bếp cơm luôn đỏ lửa đã mang đến cho bà con, các chiến sĩ nơi tuyến đầu những suất cơm ngon lành, nóng hổi. Nguyễn Ngọc Tú, chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Trái tim thiên thần, bếp trưởng ở Quảng Bình đã chia sẻ câu chuyện của riêng mình, lý do làm sao để anh bắt đầu tham gia làm tình nguyện, rồi công việc hỗ trợ suất ăn cho những người hàng rong, xe ôm ở Đà Nẵng. Đặc biệt, năm 2020, khi bão lụt xảy ra ở miền Trung, là người con của vùng đất này, anh thấu hiểu tình cảnh của người dân và nhận thức được giai đoạn cần hỗ trợ tốt nhất, đó là phục hồi sau bão lũ. Chia sẻ về công tác hỗ trợ người dân qua vận hành bếp cơm, anh Tú cho biết:
Thành lập Bếp cơm. Tính đến bây giờ 8 ngày, mỗi ngày giúp bà con được 1 ngàn suất cơm và cho tới giờ, bếp đã giúp được 8 ngàn suất cơm. 8 ngàn suất ăn giá trị không to nhưng mỗi lần cơm đưa tới bà con rất mừng. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đang làm công tác dọn dẹp, giúp người dân di tản lúc nào cũng vui và bọn em cảm thấy thực sự hạnh phúc vì đó là thành công. Hy vọng bếp cơm có sự lan tỏa.
|
Không chỉ có các thành viên, cá nhân ở miền Trung mà còn có các tình nguyện viên của các câu lạc bộ khác tham gia các hoạt động của bếp cơm di động dã chiến. Chị Hà Thị Hoài Thu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Hòa Bình cho biết, bếp cơm thực sự ý nghĩa bởi khi nước dâng cao, trong điều kiện không có điện, nước sạch, bà con không thể tự xoay xở được bữa ăn hằng ngày: Thực tế cho thấy khi vào Lệ Thủy, khi nước bị ngập, đoàn chúng em phải ăn mỳ sống vì không có quán ăn nào hoặc có phải đi rất xa. Nên em thấy bếp cơm vô cùng ý nghĩa. Khi nghe tin Đà Nẵng nhiều nơi bị ngập cao, chúng em quyết định cùng đồng hành vào thành lập bếp cơm ở Đà Nẵng.
|
Khi nghe tin nhiều khu vực ở Đà Nẵng nước dâng cao, các tình nguyện viên lại lên đường, đưa bếp ăn về các khụ vực bị ngập nặng. Chia tay với mẹ con Quỳnh Hương trở về Phú Yên, chia tay người dân xã Cam Thủy và các lực lượng chức năng, những tình nguyện viên tiếp tục lên đường đến với Đà Nẵng. Nơi nào cần họ, các tình nguyện viên lại sẵn sàng đồng hành. Mỗi nơi họ đi qua, đều để lại nhiều dấu ấn, nhiều kỷ niệm đáng nhớ cho bà con. Nước sẽ rút dần, cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường, nhưng những câu chuyện, những kỷ niệm của những người mang tinh thần thiện nguyện, tỏa sáng tinh thần nhân ái thì sẽ còn đọng lại trong mỗi người dân vùng lũ.