Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích

(VOV5) -  Tình yêu biển đảo đã gắn kết tình yêu thương và trở thành động lực giúp gia đình nhỏ rèn luyện bản lĩnh, học tập, làm việc, tự vươn lên bằng những việc làm có thật, có ý nghĩa cho đời. 

“Vì Trường Sa thân yêu”, nhiều công dân thủ đô đã khoác ba lô lên đường làm nhiệm vụ ở tuyến đầu Tổ quốc. Nơi quê nhà là hậu phương vững chắc. Khoảng cách giữa đất liền và Trường Sa xa lắm nhưng lại thật gần bởi chất keo gắn kết của tình yêu thương. Dù ở hai đầu nỗi nhớ, nhưng tổ ấm yêu thương đó đã hòa chung nhịp đập, chủ động, sáng tạo, đổi mới trong công việc để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích - ảnh 1Sĩ quan Trương Phúc Hải trong thời gian công tác tại đảo Trường Sa Đông, quần đảo Trường Sa

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Vào một ngày mùa đông, Trương Thị Khánh Linh, cô học sinh trường tiểu học Đặng Trần Côn, bám theo chân ba ra ga Hà Nội, trong tâm thức mơ màng biết rằng ba sẽ đi công tác ở ngoài đảo xa, xa lắm. Tiếng còi tàu ấy tan vào không trung và đã đưa ba đi miết, gần ba năm trời. Tưởng thời gian sẽ trôi đằng đẵng những ngày vắng ba. Nhưng bên Linh lại có thêm một âm thanh mới, niềm vui mới.

Đều đặn, cứ 6 giờ sáng, chuông điện thoại máy bàn reo vang 3 nhịp. Ai gọi vậy? Ba Linh đó, sĩ quan Trương Phúc Hải, dù ở đảo xa xôi, nhưng vẫn làm tín hiệu đánh thức cả nhà dậy mỗi sáng để đi học, đi làm. Ngoài ra, ông gửi nỗi nhớ qua những cánh thư tay kể về cuộc sống bình dị mà đầy tiếng cười ở hòn đảo nhỏ.

Chẳng hạn như cách trồng cây rau mồng tơi có lá to bằng hai bàn tay, thậm chí bằng cái mũ, cái nón. Lính đảo nói, chỉ cần một lá to cũng có thể nấu được nồi canh ngon lành. Chuyện cứ như đùa mà thật 100%. Ông Trương Phúc Hải cho biết: “Tôi phải nghiên cứu kỹ cách thức cho ra lá rau mồng tơi to. Tôi ngắt ngọn chính. Sau đó cây cứ ra ngọn, nhánh nào tôi ngắt tiếp. Bởi vì, toàn bộ năng lượng của cây được đưa vào lá. Sau một thời gian, lá to ra, có sự quang hợp thì sẽ tiếp tục nuôi thân, đầu tư cho cây dài ra. Mình phải biết cách để năng lượng nhựa sống của nó vào đấy. Đây cũng là một bí kíp phải nghiên cứu rất kỹ”.

Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích - ảnh 2Giàn bầu, bí do ông Trương Phúc Hải chăm sóc ở ngoài đảo. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Nhờ nguồn rau xanh dồi dào mùa nào thức nấy từ rau muống, cải xanh, cải cúc, mồng tơi, bí đỏ, bí xanh, mỗi năm, vườn rau vỏn vẹn 30 m2 trên đảo Trường Sa Đông của vua rau Phúc Hải cho sản lượng 7 tạ rau các loại. Rau còn được đem tặng cho các đảo lân cận và bà con ngư dân. Thợ trồng rau Phúc Hải còn nghiên cứu, cấy ghép mỗi năm được khoảng 150 cây bàng vuông con, vừa để tăng thêm màu xanh cho đảo, vừa làm quà tặng cho các đoàn từ đất liền ra thăm. “Sinh sống ở Hà Nội từ năm 1993, là công dân thủ đô, tôi luôn cảm thấy tự hào là người con thủ đô, tự hào về các chiến sĩ thủ đô năm xưa “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới thành phố Hà Nội quan tâm, động viên các cán bộ, chiến sĩ có quê ở Hà Nội công tác tại Trường Sa” – ông Trương Phúc Hải chia sẻ. 

Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích - ảnh 3Bà Đường Thị Toàn và con gái Khánh Linh

Ở nơi quê nhà, theo lời bà Đường Thị Toàn, mẹ của Khánh Linh, UBND phường Thanh Xuân Bắc và trường học thường xuyên động viên, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình hậu phương chiến sĩ Trường Sa vào các ngày 1/6, Tết trung thu làm bà cũng thấy ấm lòng. Đặc biệt là câu chuyện về tình hậu phương với tiền tuyến xuất phát từ một lời nhắn hồn nhiên của cậu con trai Trương Phúc Quốc Khánh: “Lớp của Khánh có một bạn tên Tú có bố ra thăm Trường Sa cùng đoàn công tác, Khánh nhờ bạn: “Bố cậu ra Trường Sa nhớ thăm bố tớ nhé!”. Bố của Tú đã hoàn thành tâm nguyện của 2 đứa trẻ. Ra đến đảo Trường Sa Đông là hỏi thăm ngay anh Phúc Hải ở đâu. Anh Hùng, bố của Tú đã ôm thật chặt Thiếu tá Trương Phúc Hải và nhắn nhủ: “Cháu nhà anh và cháu nhà tôi học cùng lớp với nhau. Cháu biết tôi ra Trường Sa nên mong muốn tôi ra thăm anh”.

Dù ba ở nơi đảo xa xôi, tình yêu người cha trong lòng hai đứa trẻ Khánh Linh, Quốc Khánh vẫn luôn dâng đầy và tự hứa với ba nỗ lực học tập thể hiện bằng những bông hoa điểm mười tươi rói. Bài văn kể về giấc mơ được gặp ba ngoài đảo của Khánh Linh đã được cô giáo biểu dương trước lớp: “Đó là bài viết tự sự nhưng được đặt trong sự tưởng tượng mình được ra đảo để thăm bố. Dù là mình chưa bao giờ được nhìn thấy không gian đảo thật là như thế nào, nhưng mà qua những bức ảnh ba mà gửi về, qua những tư liệu mà mình chịu khó tìm tòi trên mạng thì mình tự vẽ ra một bức tranh trong đầu về đảo. Mình được đi thăm đảo, đi thăm các phòng ban. Rồi ba cho mình đứng cạnh cột mốc chủ quyền và mình tưởng tượng ra rồi tả lại không gian ở đấy. Nếu như thời điểm đấy mà mình được ra đảo để thăm ba một lần thì mình cũng muốn thử”.

Sau gần ba năm trông ngóng, ngày người cha trở lại đất liền cũng đến. Khánh Linh cùng mẹ và em trai Quốc Khánh ra ga đón ba. Linh kể: “Hôm đó là buổi tối. Mình cứ đứng ở ga thôi. Rồi mình hỏi mẹ là không biết ba sẽ khác đến mức nào nhỉ? Lúc ấy, em Khánh, chắc là bé quá, đã không nhận ra ba và em mình còn ôm nhầm một người khác. Sau khi mình được gặp ba thì mình cảm thấy nếu như mà có cái gì khác thì chỉ là màu da khác. Nó chỉ là cái thể hình ở bên ngoài thôi chứ còn bản chất chân thật và tình cảm của ba đối với gia đình vẫn như thế. Cho dù là hoàn cảnh thay đổi nhưng tấm lòng của ba, sự kiên cường của ba vẫn còn nguyên vẹn”.

Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích - ảnh 4Sáng kiến “Bình chữa cháy phục vụ huấn luyện, luyện tập chữa cháy” của ông Trương Phúc Hải

Trở về với đời thường, thợ trồng rau chuyên nghiệp khi xưa lại hóa thân thành “cây sáng kiến” với hơn chục đề tài cải tiến kỹ thuật phục vụ sinh hoạt, học tập, huấn luyện của bộ đội. Đơn cử như sáng kiến “Bình chữa cháy phục vụ huấn luyện, luyện tập chữa cháy” được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trao giải nhất, Bộ Quốc phòng trao giải ba.

Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích - ảnh 5Bà con nhân dân nghe ông Trương Phúc Hải hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy mà ông cải tiến.

Thượng tá Trương Phúc Hải cho biết bình chữa cháy này không chỉ được áp dụng trong huấn luyện tại các đơn vị quân đội mà còn nhân rộng ra một số khu dân cư của Thành phố Hà Nội.

“Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” hội tụ đầy đủ trong người sĩ quan dạn dày xương gió Trương Phúc Hải. Học tập ba đức tính tự lập, sáng tạo ngay từ bé, giờ đây, cô con gái Khánh Linh đã là sinh viên năm thứ tư Đại học Luật Hà Nội.

Tình yêu biển đảo chắp cánh tinh thần sống đẹp, sống có ích - ảnh 6Khánh Linh tâm sự về chuyến đi từ thiện đăng trên báo. 

Ngoài giờ lên giảng đường, lúc rảnh rỗi, Linh viết blog, kết nối với thế giới, chia sẻ những trải nghiệm của mình về chuyện học, chuyện làm, chuyện nhà với hy vọng giúp ích phần nào cho các bạn trẻ nói riêng và xã hội nói chung: “Khi tôi trở thành sinh viên năm nhất của trường đại học Luật Hà Nội, tôi không có một ai hướng dẫn về cách học, cách làm việc nhóm. Đến năm thứ 2, tôi nhận ra rằng mình đã có sự trải nghiệm ít nhiều về chương trình học, phương pháp học này, cách đạt học bổng thì tại sao mình lại không chia sẻ để các sinh viên khác cũng đạt được thành tích giống mình. Từ đó, tôi đã bắt đầu viết”.  

Tự hào là con của một người lính, Khánh Linh đã học tập theo cha luôn giữ vững tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, liên tục học tập, tự vươn lên bằng những việc làm có thật, có ý nghĩa cho đời. Với Linh, chỉ cần đi đúng hướng và phần thưởng sẽ dành cho những người xứng đáng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác