(VOV5) - Trẻ em không chỉ được truyền giảng, được giáo dục mà các em ngày càng được chủ động nhiều hơn, được thể hiện, được nói lên nhiều vấn đề của chính mình tại các diễn đàn trong nước và quốc tế.
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính phủ Việt Nam cam kết với Cộng đồng quốc tế thực hiện tốt các mục tiêu thông qua hành động cụ thể cùng với không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật. Phóng viên đài TNVN có bài viết sau qua góc nhìn của các chuyên gia, các nhà lập pháp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việt Nam đã cam kết thực hiện Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và thực tế là những thành quả đạt được không nhỏ. Trẻ em không chỉ được truyền giảng, được giáo dục mà các em ngày càng được chủ động nhiều hơn, được thể hiện, được nói lên nhiều vấn đề của chính mình tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Không chỉ là quyền được tham gia qua chính sách và hệ thống pháp luật mà thực tế, kỹ năng và sự phát triển về tính cách, hành vi của trẻ ngày càng được khẳng định qua môi trường giáo dục là những người thầy của các em và của những người làm cha, làm mẹ. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội cho biết: “Nếu chúng ta thực hiện tốt quyền tham gia của trẻ em thì sẽ làm tốt chiến lược giáo dục. Cha mẹ không chỉ ghi trong công ước, trong hệ thống pháp luật, mà chính phải giúp trở thành kỹ năng, ứng xử với trẻ em. Trên mạng xã hội hình thành website, các nhóm cha mẹ đến với nhau để có kỹ năng làm cha mẹ, lắng nghe và giúp cho trẻ nghe mình. Nhân vật thứ hai là các thầy cô giáo, khơi dậy năng lực học tập của trẻ, hứng thú say mê và tiềm năng. Quyền trẻ em phải đi vào những cuộc sống hàng ngày”.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội. Báo giáo dục |
Chiến lược giáo dục luôn đòi hỏi toàn thể cộng đồng xã hội đặt trẻ em vào vị trí cần được sự quan tâm, chăm sóc và phải được thể hiện bằng hành động. Xu thế hội nhập đã tạo ra sự kết nối giữa mọi người không chỉ trong một quốc gia mà còn trên toàn cầu để cùng chia sẻ cách thức và biện pháp tốt nhất dành cho trẻ em và đó cũng chính là điều kiện cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt, đối với nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, sự quan tâm của Chính phủ, của xã hội và của từng cá nhân cần phải nhiều hơn. Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Việt Nam được thông qua lần đầu tiên vào năm 1991 và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã trở thành công cụ, tạo hành lang pháp lý cho các ngành, các cấp cũng như sự tham gia của cộng đồng xã hội giải quyết những vấn đề liên quan tới trẻ em.
Tại các kỳ họp quốc hội, khi thảo luận và chất vấn về các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa, giáo dục, các đại biểu luôn lồng ghép, đưa ra nhiều thắc mắc và đề xuất kiến nghị giải pháp với nội dung liên quan tới trẻ em: như những bất cập trong chăm sóc và giáo dục trẻ từ phía gia đình và cộng đồng; văn hóa và hội nhập đã và đang ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của trẻ em và thanh thiếu niên như thế nào cũng như sự vào cuộc của các ngành, các cấp, của từng gia đình …Chia sẻ với báo chí về quan điểm đối với các vụ việc vẫn đang xảy ra làm tổn hại tới trẻ em và thái độ cũng như biện pháp của các ngành, các cấp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho rằng còn quá nhiều tồn tại: “Chúng ta có bộ máy hùng hậu, bộ máy cồng kềnh, nhưng dường như chúng ta chỉ đứng bên ngoài, không tiêp cận không gian. Chúng ta thiếu sự phối hợp để cùng nhau, cùng người dân tìm ra biện pháp vì các vụ việc không phải cơ quan chức năng phát hiện mà do chính người dân. Như vậy chúng ta chưa có sự phối hợp, chưa vận động được người dân tham gia và vẫn còn tình trạng chưa làm hết trách nhiệm”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre |
Để luật được triển khai đi vào cuộc sống hiệu quả thì cần sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng xã hội với những biện pháp, phương thức phù hợp. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nêu một số giải pháp cần thực hiện: “Chính sách chăm sóc ra sao trên cơ sở quyền trẻ em chăm sóc cần phải có chăm sóc đặc biệt. Hệ thống dịch vụ phải phát triển. Hệ thống tư vấn trong học đường, trẻ em cần, các nước đều có hệ thống tư vấn. Nhưng chúng ta chưa để cho các em tiếp cận dịch vụ tư vấn, về tâm lý, gia đình, xã hội, những điều các em trải nghiệm, gặp phải ở gia đình, nhà trường, xã hội. Hình phạt cần nhưng mấu chốt vẫn là giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội và cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa trong thời gian tới”.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”-giá trị của thông điệp này cần phải được mỗi người hiểu rõ hơn. Không chỉ là cam kết mà phải bằng hành động cụ thể, không chỉ là sự răn đe mà phải bằng giáo dục, bằng tình yêu thương và sự quan tâm ứng xử để giải quyết những vấn đề của trẻ trong cuộc sống hàng ngày.