(VOV5) - Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức trong các lễ hội, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.
Nghi thức Tế nữ quan trong Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh: Báo Nhân dân
|
Ngày 22/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, diễn ra lễ khai hội đền Mẫu Âu Cơ.
Mở đầu lễ hội là lễ tế thành hoàng làng và rước kiệu, lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ nhằm tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu Xuân.
Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng tại lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2018 - Ảnh: dangcongsan.vn
|
Cùng ngày, tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2018 - Lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Theo các tài liệu lịch sử và truyền miệng trong dân gian, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách thành kính, trang trọng.
Trong dịp Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức như: vật cổ truyền, biểu diễn trống của đội trống thôn Đọi Tam, vẽ trang trí trâu.