(VOV5) - Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong mọi lĩnh vực từ phổ cập giáo dục đến xóa mù chữ và học tập suốt đời.
Hôm nay (8/9), Tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ 2023 (ILD 2023) với chủ đề “Thúc đẩy xóa mù chữ cho một thế giới đang chuyển đổi: Xây dựng nền tảng cho các xã hội hòa bình và bền vững”.
Kể từ khi được UNESCO công bố lần đầu tiên vào năm 1966, Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ đã diễn ra vào ngày 8/9 hằng năm trên khắp thế giới. Mục đích là để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc xóa mù chữ đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội, cũng như sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực hướng tới một xã hội mọi người đều biết chữ và bền vững hơn.
Các học viên tập viết chữ tại lớp xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng (Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Nhân dịp này, ông Michael Croft, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, khẳng định trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong mọi lĩnh vực từ phổ cập giáo dục đến xóa mù chữ và học tập suốt đời. UNESCO, với tư cách là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc được ủy quyền làm việc với các quốc gia thành viên, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc (SDG4) về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Điều này bao gồm tư vấn thêm về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, nhằm xây dựng các chính sách và hệ thống học tập suốt đời hiệu quả, toàn diện, đồng thời thúc đẩy các thành phố học tập và xã hội học tập, bao gồm cả Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.