(VOV5) - Sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài.
Bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tiến hành xét nghiệm virus SARS–CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. - Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sáng 27/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID 19 thảo luận về chiến lược xét nghiệm COVID 19, trong đó đẩy mạnh sản xuất sinh phẩm thay thể sản phẩm nhập khẩu. Đại diện Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam đang sử dụng 2 loại xét nghiệm để chẩn đoán COVID 19; đó là xét nghiệm bằng máy PCR để khẳng định ca bệnh và xét nghiệm test nhanh (nhập khẩu từ Hàn Quốc) phát hiện nhanh kháng thể trong máu nhưng độ chính xác không cao. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Đại học Nagasaki (Nhật Bản) vừa nghiên cứu thành công sinh phẩm chẩn đoán huyết thanh học với chí phí rẻ hơn, phục vụ xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, phát hiện trường hợp nghi ngờ từ đó tiến hành xét nghiệm sâu PCR để khẳng định ca bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài. Đặc biệt là khi sinh phẩm này được công nhận, đưa vào sản xuất hàng loạt, Việt Nam có thể chủ động sử dụng cả hai phương pháp: PCR phát hiện gen virus và xét nghiệm nhanh tìm kháng thể để chủ động sàng lọc, sớm phát hiện người mắc COVID-19.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng dù đã 11 ngày Việt Nam chưa có ca nhiễm trong cộng đồng nhưng các bộ, ngành cần căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế để tiếp tục rà soát, bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch theo lĩnh vực quản lý. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đã bảo đảm được các loại thuốc có thể dùng cho những phác đồ điều trị COVID-19; tự sản xuất được khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ; máy thở; làm chủ phương pháp xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện người dương tính với SARS-CoV-2.