(VOV5) - Ngày 30/3 là Ngày quốc tế không rác thải, được tổ chức hằng năm bắt đầu từ năm ngoái. Năm nay, Việt Nam hưởng ứng Ngày quốc tế không rác thải bằng những hành động thiết thực.
Thông điệp của Ngày quốc tế không rác thải là kêu gọi tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng..., tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về các sáng kiến không rác thải. Để đạt “không rác thải”, Việt Nam có cách tiếp cận toàn diện, toàn xã hội với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về vấn đề rác thải; khuyến khích người dân xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.
Người dân tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phân loại rác thải sinh hoạt. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN |
Hiện nay, mỗi ngày, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 20% được chôn lấp hợp vệ sinh. Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, có 90% rác thải sinh hoạt phải được xử lý hợp vệ sinh. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có trình độ, kiến thức về xử lý rác, có bản quyền sở hữu công nghệ, có khả năng liên danh liên kết với công ty nước ngoài, đảm bảo về vốn và khả năng cung cấp thiết bị cũng như vận hành chuyển giao. Cụ thể, chỉ định nhà đầu tư làm thí điểm ở một địa phương với quy mô xử lý từ 1.000-2.000 tấn/ngày, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Đây là hướng đi đúng trong việc giải quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất là hết năm nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được thực hiện phân loại. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Để tạo thành thói quen phân loại rác đúng quy định, chúng ta cũng phải đi theo lộ trình và phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vấn đề là phải mạnh dạn làm, đầu tiên là ban hành các văn bản quy định, rồi triển khai hướng dẫn. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn đi công tác các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác truyền thông."
Việt Nam nhận thức rõ không rác thải là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% lượng rác thải nhựa và giảm 50% lượng rác thải nhựa ra biển và đại dương. Việt Nam cũng xây dựng Chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với mục tiêu giảm 75% đến năm 2030. Những chính sách này cùng hành động được triển khai trên thực tế cho thấy quyết tâm của Việt Nam hướng tới việc xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt.