(VOV5) - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã nêu một số đề xuất nhằm thúc đẩy hành động của Quốc hội hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể - Ảnh: TTXVN |
Ngày 22/03, phát biểu tại phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 tại Bali (Indonesia), Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đã nêu một số đề xuất nhằm thúc đẩy hành động của Quốc hội hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.
Trong đó có các đề xuất như: Nghị viện các nước cần thúc đẩy các Chính phủ triển khai hiệu quả hơn nữa các chính sách nhằm ứng phó biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nghị viện các quốc gia cần tăng cường hợp tác trên cơ sở nguyên tắc công bằng, trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, phù hợp với năng lực và điều kiện riêng biệt của mỗi quốc gia nhằm kết nối, bổ sung nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực của Nghị viện trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng cho rằng các Nghị viện cần tăng cường công tác lập pháp, rà soát, bổ sung xây dựng luật; giám sát và phân bổ ngân sách để bảo đảm việc thực hiện các cam kết khí hậu của quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục giảm mạnh sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo, phấn đấu xây dựng lộ trình phù hợp theo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, carbon thấp, thực hiện những cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có cam kết tại COP26.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhấn mạnh trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn xác định lấy người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể và là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu; không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam cũng mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.