(VOV5) - Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch biển, đảo là một trong những loại hình sản phẩm chủ đạo.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh:VGP/Lưu Hương |
Hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phối hợp tổ chức chiều 9/12, tại Thành phố Đà Nẵng.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch biển, đảo là một trong những loại hình sản phẩm chủ đạo được định hướng chú trọng phát triển. Với chiều dài đường bờ biển hơn 3.000 km cùng hàng trăm bãi biển và nhiều đảo đẹp còn nguyên sơ ở 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam có thể phát triển trở thành một trong những điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho biết: "Tôi thấy là dư địa cho phát triển du lịch biển rất lớn mà chưa được khai thác, phát huy. Phát triển các sản phẩm thì vẫn còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo nên khách du lịch tới khu vực ven biển thì thời gian lưu trú vẫn còn thấp. Rõ ràng sản phẩm chưa đáp ứng, cách thức tổ chức phục vụ làm cho khách du lịch không có điều kiện để tiêu tiền, để ở lại".
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng để phát triển du lịch biển, đảo, các địa phương, doanh nghiệp và người dân... cần xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, lưu trú và các đội tàu du lịch hiện đại. Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, cho biết: "Với định hướng trong thời gian sắp tới du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng với việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường, gắn với việc phát huy truyền thống văn hóa, với phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền của quốc gia. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học để chúng ta đưa ra những đề xuất, giải pháp qua đó nhằm phát triển du lịch biển đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của Việt Nam".