(VOV5) - Dù đi chợ bằng hình thức nào, không thể phủ nhận dịch bệnh đã thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày của người dân.
Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19. Mặt khác, do giãn cách nên người dân cũng không thể di chuyển sang các chợ lân cận để mua bán nên việc mua thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Đi chợ thông qua tem phiếu và mua hàng trực tuyến là hai hình thức được nhiều người dân áp dụng trong thời dịch. Ghi nhận của phóng viên Thủy Tiên:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
5h30 sáng là thời điểm chị Trịnh Thu Hằng ở quận Hà Đông, Hà Nội phải thức giấc, nhanh chóng sửa soạn và mang xe kéo hàng đi chợ. Vì 1 tuần chỉ được đi chợ 3 ngày nên mỗi lần dùng phiếu chị phải lên danh sách từ đêm hôm trước, tranh thủ đi sớm để mua đầy đủ thực phẩm cho cả gia đình: “Rất khó khăn trong việc đi chợ vào buổi sáng mai vì mình vẫn phải đến cơ quan, phải dậy sớm để sắp xếp thời gian đi chợ và chuẩn bị ăn sáng cho gia đình, thời gian sẽ bị cập rập, chứ không như ngày trước, có thể mua đồ ăn từ trước, sáng mai ăn được luôn.”
Thói quen nào rồi cũng phải thay đổi, nhất là để thích ứng trong thời dịch, vì nhỡ đâu, ngủ say giấc, quá giờ quy định trên tem phiếu thì xác định cả nhà mất ăn sáng. Nói vui thế thôi, bởi sau 3 tuần giãn cách, chị Hằng cũng như nhiều người nội trợ trong gia đình đã quen với hình thức đi chợ tem phiếu, sắp xếp thời gian hợp lý và có những giải pháp đi chợ hiệu quả:
“Thời gian đầu chưa làm quen, thứ 2 là khi mình đi chợ theo nhu cầu, thích là mình đi, thiếu là mình có thể chạy ra chợ thì có thể đáp ứng và mua được nhưng khi có phiếu này thì mình phải tính toán thời gian. Mình có phương pháp, tuần này mình sẽ xem ăn uống như thế nào, ăn những món gì sẽ liệt kê ra, rồi đi chợ vào khoảng mấy ngày ấy và mua đầy đủ cho 3 ngày, như vậy sẽ sắp xếp được mua những gì, ăn những gì.”Chị Hằng ở Hà Đông, Hà Nội nói
Cô Vân, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội nói, “Bây giờ phải tranh thủ, vì dịch mà, người với người mà tập trung, gặp nhau dễ lây nhiễm, thế nên phát tem phiếu cho mọi người là hợp lý, vừa tiếp kiệm kinh tế vừa chống dịch. Ví dụ như gia đình có 1 phiếu đi chợ, tuần 3 lần thì mình cứ liệu liệu, ăn uống như thế nào thì sắp xếp, phải tiếp kiệm, đi chợ, mua bán gì phải phân bổ ra. Bây giờ dịch nên phải ở trong nhà, lao động bán hàng bán quán cũng không được nên phải tiết kiệm.”
Theo quy định, người ở phường nào đi chợ phường đấy, tuy nhiên nhiều người dân vẫn có thói quen đến chợ cũ- nơi không đúng quy định trên tem phiếu nên phải quay đầu và tìm chợ trong địa bàn mình sinh sống. Do chợ quá xa hoặc không sắp xếp được thời gian mua thực phẩm, một số người dân đã lựa chọn hình thức đi chợ online. Tuy nhiên, hình thức này cũng mang đến những tình huống “dở khóc dở cười”. Người mua sắm tủ lạnh thật lớn để tích trữ thực phẩm cho cả 1 tuần, người lỡ đặt hàng online quá tay, đến nỗi vượt cả mức chi tiêu:. Chị Trịnh Thị Thịnh, Q. Thanh Trì cho biết “Giờ mình không ăn uống cầu kỳ nữa, thấy gì mua đấy, thực phẩm nào thấy ok mình đặt luôn. Đợt này cũng may mắn nhà mình sắm được tủ lạnh khá là to, nên mình chọn phương án để đồ đông lạnh, nếu đặt được thì mình sẽ đặt đủ thức ăn cho 1 tuần để không phải đau đầu cái việc đi chợ.”
Ảnh minh họa VOV.Vn
“Từ đầu cũng sắp xếp ý định sẽ mua như thế này tuy nhiên đêm đến thì thấy rất nhiều mặt hàng đang giảm giá hoặc hàng mới về, mình phát hiện ra nhiều cái hay hơn, lại sa đà chọn mua những cái ở ngoài kế hoạch ban đầu. Nhiều lúc đặt 2,3 đơn cùng đến 1 lúc mà không biết đơn này đặt lúc nào.”Chị Lê Thị Nga ở Thụy Khuê, Hà Nội
Thế rồi sau những lần đặt hàng vô tội vạ hoặc mua phải thực phẩm không đảm bảo khi đi chợ online, một số người dân đã chọn giải pháp đặt hàng ở những địa chỉ tin tưởng hoặc đặt hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử của các hệ thống siêu thị. Anh Trần Hùng ở Minh Khai, Hà Nội nói “Anh hay đặt mua của siêu thị Aeon, đồ tươi sống mỗi ngày, giá lại hợp lý. Đặt mua một địa chỉ thôi nên sẽ cân đối được số tiền chi tiêu, chứ đặt trên facebook, nhiều địa chỉ, vừa không biết chất lượng thế nào, vừa khó kiểm soát được việc tiêu tiền.”
Nắm bắt nhu cầu đi chợ online của người dân, một số cửa hàng thực phẩm chế biến sẵn và công ty phân phối thực phẩm đã nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu và giá cả hợp lý trong thời dịch. Chị Lê Ánh Nguyệt – Chủ cửa hàng Đặc sản truyền thống, Thụy Khuê, Hà Nội và cho biết:
“Những món mình làm rất dễ bảo quản, tiện cho người dùng, nó rút ngắn thời gian của khách trong việc chuẩn bị cơm cho cả gia đình. Để khách luôn theo mình và quan tâm đến món mình làm ra thì thứ nhất nguyên liệu phải chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Thứ 2 là kỹ thuật nấu ra món phải kiên trì, có tâm mới hút được khách hàng.”
"Thông qua việc kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thì chúng tôi có thể cân đối được lượng hàng hóa, khả năng sản xuất, khả năng cung ứng để tập trung vào những thực phẩm, sản phẩm thiết yếu với người tiêu dùng. Với nền tảng sử dụng công nghệ, chúng tôi cố gắng giảm bớt tối đa các khâu trung gian, bảo toàn về chất lượng và tối ưu về giá đến tay người tiêu dùng.”ông Hà Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ubofood Việt Nam
Dù đi chợ bằng hình thức nào, không thể phủ nhận dịch bệnh đã thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày của người dân. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chỉ thị giãn cách xã hội vẫn đang thực thi nhằm ngăn ngừa các ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân cần tính toán, chi tiêu hợp lý để đảm bảo kinh tế gia đình ổn định trong thời dịch. Hãy thấy thật may mắn vì chúng ta vẫn có những bữa cơm ấm cúng bên gia đình thân yêu của mình.