(VOV5) -Đây là mục tiêu của hội thảo Định hướng chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống An sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2030, diễn ra ngày 10/4, tại Hà Nội.
Chiến lược được xây dựng trong bối cảnh xu hướng già hóa dân số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và toàn cầu hóa, biến đối khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, nhiều rủi ro truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi phải có tư duy mới, đột phá mới về an sinh xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần hướng đến mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân, đổi mới dịch vụ công trong thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Việt Nam phấn đấu xây dựng hệ thống an sinh xã hội phát triển nhanh và bền vững |
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội, nêu ý kiến:Trong tiếp cận xây dựng hệ thống an sinh xã hội thì trước hết là tiếp cận quyền con người, rõ ràng cần làm mạnh hơn. Mặc dù trong Hiến pháp đã nêu ra nhưng trong thực tiễn đưa vào luật như thế nào, đặc biệt trong xây dựng chính sách về an sinh xã hội. Thứ hai là phải làm thế nào để cho những cá nhân đảm bảo có tích lũy trong tuổi lao động. Rồi phải có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách cho trẻ em, người già, rồi hội nhập quốc tế gắn với các tiêu chuẩn quốc tế".
Qua hơn 30 năm thực hiện Đổi mới để phát triển đất nước, an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm nhằm góp phần phát triển con người, thúc đẩy công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân. Tỷ lệ nghèo giảm liên tục qua các năm. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên với hơn 14 triệu người tham gia. Hiện nay, số người nhận các hình thức trợ cấp là khoảng 23 triệu, cứu trợ đột xuất (mưa bão, lũ lụt) được duy trì hàng năm.