(VOV5) - Sau ngày miền Nam giải phóng, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã ra sức tìm kiếm băng ghi âm ghi lại Chương trình liveshow đặc biệt của ngày 30/4/1975.
50 năm đã qua, những người thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn đã trở thành những nhân chứng đặc biệt.
Chương trình phát thanh đầu tiên trong ngày thống nhất non sông được phát trên đài phát thanh Sài Gòn chiều ngày 30/4 năm ấy do các sinh viên, học sinh, nhân sĩ Sài Gòn thực hiện như một bản giao hưởng chiến thắng của dân tộc Việt Nam được truyền đi khắp thế giới. Và người biên soạn, đạo diễn, dẫn chương trình ngày đó đã phải mất 35 năm sau mới tìm ghép lại được chương trình lịch sử ấy một cách trọn vẹn.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (Người cầm tập tài liệu) tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
9h sáng ngày 30/4/1975, Sài Gòn vắng lặng. Tất cả đang chuẩn bị cho việc đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và chuyển giao chính quyền cho quân cách mạng. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nhân chứng lịch sử của ngày hôm ấy, kể lại việc ông cùng đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh ra Đài phát thanh để tuyến bố đầu hàng: “Tôi nhớ xe đại úy Thệ chở Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đi trước. Tôi tháp tùng đi cùng xe với Chính ủy Bùi Văn Tùng đi sau với nhà báo Tây Đức cùng ra Đài Phát thanh Sài Gòn. Ở Đài phát thanh, ta thấy có mấy anh bộ đội đứng xung quanh, có ông Dương Văn Minh, có hình ảnh nhà báo Tây Đức mà nhiều người lầm tưởng là cố vấn Mỹ. Ông nhà báo này có vai trò quan trọng là hôm đó không có ai có máy thu âm cả, chính nhà báo này đã cho chúng tôi mượn máy cassette để thu băng.”
Qua Đài Phát thanh, người dân Sài Gòn và cả miền Nam nghe được lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và biết được Sài Gòn đã được giải phóng. Chiều ngày 30/4/1975, cả Sài Gòn bắt đầu nhộn nhịp với từng dòng người và xe cộ túa ra đường đón chào quân giải phóng: “Khi Đài phát thanh phát tiếng nói đầu hàng quân giải phóng của ông Dương Văn Minh và Chính ủy Bùi Văn Tùng, thay mặt chính quyền cách mạng chấp nhận lời đầu hàng, cả Sài Gòn náo động trở lại với niềm vui mừng. Khắp nơi xuất hiện bộ đội. Dân chúng vui mừng, nhất là lớp trẻ hòa mình vào với bộ đội rất nhanh. Như một ngày hội lớn. Dinh Độc Lập trở thành tụ quân của các cánh quân. Sài Gòn nơi nào cũng có bộ đội. Chúng tôi có cảm tưởng không giống như như một ngày giải phóng kiểu quân sự mà gần như một cuộc họp mặt của gia đình lớn sau mấy chục năm xa cách”.
Sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và lời tiếp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, một chương trình phát thanh trực tiếp được diễn ra do sinh viên các trường đại học, các nhân sĩ, trí thức của Sài Gòn đảm nhiệm. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trở thành người dẫn chương trình phát thanh trực tiếp này. Ông cũng là người đứng ra tổ chức, sắp xếp các nội dung, mời gọi sinh viên, học sinh, trí thức thành phố cùng tham gia chương trình. Cũng ngay chiều hôm đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đến Đài Phát thanh theo lời kêu gọi của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cùng tham gia trò chuyện, phát biểu trực tiếp trên sóng phát thanh.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trong một lần thăm lại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chia sẻ với chúng tôi nội dung một đoạn băng của chương trình phát thanh trực tiếp cách đây 50 năm, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái không giấu được cảm xúc. Đó là đoạn băng có lời phát biểu kêu gọi các nhạc sĩ, trí thức ở lại xây dựng thành phố và đất nước của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hiện tại, chúng tôi đang ở Đài phát thanh Sài Gòn và tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng đến đây để góp tiếng nói lên tiếng để tất cả mọi người yên tâm. tôi xin tất cả các anh em sinh viên, học sinh của miền Nam Việt Nam kết hợp lại với nhau, kết hợp chặt chẽ để chuẩn bị đón chờ Ủy ban cách mạng cách mạng lâm thời đến. Và tôi xin hát một bài, hiện tại trên đài không có đàn ghi ta, tôi xin hát lại bài nối vòng tay lớn của tôi. Hôm nay, thật sự vòng tay lớn đã được nối kết”.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp) |
Khoảng 17h, chương trình phát thanh hôm đó tiếp tục được phát trực tiếp theo kiểu tự biên, tự diễn và kéo dài tới 19h00, cho đến khi lực lượng của Đài Phát thanh giải phóng vào tiếp quản.
Sau ngày miền Nam giải phóng, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đã ra sức tìm kiếm băng ghi âm ghi lại Chương trình liveshow đặc biệt của ngày 30/4/1975. Bằng các mối quan hệ thân thiết của mình, ông nhờ tìm trong các kho tư liệu của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, cả Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi ra bạn bè nước ngoài nhưng không tìm ra. Ông không biết rằng, ngày 30/4 năm ấy có một nhà nghiên cứu sử học trong lúc đi lánh nạn đã mở radio nghe tin tức và ghi lại toàn bộ phần đầu của chương trình phát thanh này bằng máy cassette hiệu Hitachi. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã kể lại: “Tôi đã ghi âm toàn bộ những gì phát trên đài phát thanh lúc đó. Không chỉ là những tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh mà là tất cả những âm thanh, những lời trao đổi đầu tiên trong giờ phút quan trọng đó. Tiếp đó, sau lời kêu gọi của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, rất nhiều người đã đến Đài Phát thanh để nói lên tiếng nói của các thành phần xã hội lúc bấy giờ.”
Câu chuyện đi tìm chương trình phát thanh đặc biệt chiều 30/4 sau hàng chục năm phát sóng trực tiếp là một hành trình dài 35 năm của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: “Sau giải phóng, 20 năm sau, tôi tìm mãi mà không tìm ra chương trình phát thanh chiều 30/4/1975. Sau đó tình cờ tôi gặp tiến sĩ Nguyễn Nhã, tôi than phiền về vụ không tìm ra Chương trình này. Năm 2002, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho tôi băng cassette ông thu được phần đầu, nhưng lại không có phần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cho tới năm 2009-2010, một người bạn của tôi ở Pháp có chuyển cho tôi đoạn băng có khả năng là do người Mỹ thu được. Đoạn này có phần lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phát biểu và hát bài Nối vòng tay lớn, có cả lời dẫn chương trình của tôi. Bây giờ hai đoạn băng kết hợp lại là mình có đủ chương trình của ngày 30/4/1975.”
Chương trình phát thanh của ngày 30/4 năm ấy giờ đã trở thành một minh chứng đặc biệt cho chiến thắng lịch sử của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Từ chương trình phát thanh đặc biệt này mà cả thế giới biết được miền Nam Việt Nam đã được giải phóng. Bắc -Nam sum họp một nhà. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.