(VOV5) - Đoàn công tác số 6, khối dân chính đảng, với khoảng 200 thành viên nhiều lứa tuổi, ngành nghề, địa phương cùng đi trên con Tàu 571 hướng tới quần đảo Trường Sa.
Những chuyến tàu nghĩa tình đến với Trường Sa
Những ngày này, nhiều chuyến tàu đến Trường Sa mang theo tình cảm của đất liền, sự tri ân của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tới những chiến sĩ, người dân đang sinh sống, học tập và làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.
Cờ Tổ quốc giữa mênh mông biển đảo thiêng liêng. Ảnh minh họa: Quang Thái/TTXVN |
Đoàn công tác số 6, khối dân chính đảng, với khoảng 200 thành viên nhiều lứa tuổi, ngành nghề, địa phương cùng đi trên con Tàu 571 hướng tới quần đảo Trường Sa. Đoàn đã đến thăm 6 cụm đảo và nhà dàn DK1, giao lưu, thăm hỏi và trao quả cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa… Ông Lê Anh Tuấn, cán bộ Cục văn hóa cơ sở, gia đình và thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên trong đoàn, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi ra Trường Sa. Trong đất liền cũng được đọc rất nhiều về những gian khó của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Khi bước chân lên từng hòn đảo thì tôi cảm thấy rất xúc động và cảm phục trước tinh thần, nghị lực, quyết tâm vượt khó, vượt khổ để bám đảo gìn giữ từng tấc đất quê hương đất nước.
Trên chuyến tàu còn có cả người thân của các chiến sĩ ra thăm vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Đặng Đình Hùng ở tỉnh Ninh Bình, ra thăm con trai đang công tác tại đảo Trường Sa, cho biết: Tôi ra gặp con trên đảo Trường Sa lớn. Mặc dù xa xôi với đất liền, nhưng Trường Sa luôn được sự quan tâm của Nhà nước, các đoàn, tổ chức quan tâm. Đến đây thấy các chiến sĩ mạnh khỏe và tinh thần chiến đấu công tác cao, nên rất yên tâm.
Những năm qua đã có hàng trăm đoàn công tác đến với quần đảo Trường Sa. Mỗi chuyến hải trình nghĩa như tiếp thêm động lực để quân và dân trên quần đảo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hải quân hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ
Từ 10/4 - 19/4, Quân chủng Hải quân Việt Nam đưa biên đội tàu 015, 016 tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Giao lưu và tiến hành Tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ với Hải quân Trung Quốc. Tham gia tuần tra liên hợp lần này, Hải quân Trung Quốc cử 2 tàu hộ vệ mang số hiệu 628 và 630.
Đội hình Hải quân hai nước chuẩn bị tuần tra liên hợp. Ảnh: qdnd.vn |
Các hoạt động chính trong chương trình lần này, gồm: Gặp gỡ, giao lưu giữa Chỉ huy Biên đội tàu tuần tra Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc; Giao lưu thể thao giữa sĩ quan, thủy thủ Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc; tiến hành Tuần tra liên hợp lần thứ 38 trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ và luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn trên biển trong khuôn khổ tuần tra với Hải quân Trung Quốc.
Cùng với nhiệm vụ tuần tra liên hợp vùng biển vịnh Bắc Bộ, Biên đội tàu của Hải quân hai nước cũng tiến hành luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn và thông tin ánh đèn.
Lần đầu tiên tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thăm Việt Nam
Tàu BRP Gabriela Silang của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines do Đại tá Eleizer Gonzales Ibarientos làm Thuyền trưởng, có chuyến thăm thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) từ 14/4 - 17/4. Đây là lần đầu tiên, tàu Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thăm Việt Nam.
Tàu BRP Gabriela Silang (OPV-8301) cập cảng Tiên Sa. Ảnh: VOV
|
Trong khuôn khổ chuyến thăm diễn ra các hoạt động, như: Phó Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và nhóm Chỉ huy tàu gặp xã giao lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; giao lưu thể thao tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; luyện tập chung về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ với tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Chuyến thăm có ý nghĩa lớn và là hoạt động hiện thực hóa Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai lực lượng được ký vào tháng 1/2024. Thông qua chuyến thăm, cán bộ, thủy thủ hai bên có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn trong công tác thực thi pháp luật trên biển. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trong thời gian tới.
Tinh Khánh Hòa định hình trung tâm công nghệ đại dương
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ đại dương tầm quốc gia đặt tại Khánh Hòa.
Với lợi thế biển, đảo, Khánh Hòa có lợi thế phát triển công nghệ, khoa học về biển. Ảnh: VOV |
Theo định hướng, trung tâm sẽ tập trung vào các công nghệ khai thác tài nguyên biển; công nghệ tàu ngầm, thiết bị lặn; năng lượng tái tạo từ biển; quan trắc môi trường biển; ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu, bảo tồn biển. Đồng thời, đây cũng là không gian ươm tạo khởi nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo biển tại miền Trung.