Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hoá Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước Việt Nam, là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: VOV |
Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có hơn 14 triệu người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước), sinh sống chủ yếu tại các khu vực trung du, miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Mỗi dân tộc thiểu số đều sở hữu các giá trị văn hóa riêng biệt độc đáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
Bức tranh sinh động về bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số
Không có môi trường nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt hơn chính ở không gian văn hóa của mỗi dân tộc. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm xây dựng và phát huy phong trào văn nghệ quần chúng. Đến nay, tỉnh đã có hơn 3.300 đội văn nghệ ở khắp các thôn, bản, tổ dân phố, là một trong những địa phương có nhiều đội văn nghệ quần chúng nhất cả nước. Mỗi năm, Sơn La đều trích hàng tỷ đồng (hàng chục nghìn USD) từ ngân sách để hỗ trợ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Chị Lò Xuân Hường, đội trưởng đội văn nghệ tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Rất tự hào vì được Đảng, Nhà nước quan tâm, có kinh phí của tỉnh hỗ trợ phong trào văn hoá văn nghệ, mỗi năm được 2 triệu (85 USD), ngoài ra bản thu 30.000đ/hộ (1,3 USD) vào quỹ văn hoá, thể thao của bản. Tôi được giao phụ trách nên tôi dự toán trong năm cần dàn dựng những tiết mục nào, trang phục nào, cần đạo cụ gì thì sẽ báo cáo với tập thể để chi cho đội văn nghệ".
Trong khi đó, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, các lễ hội truyền thống của đồng bào Pa Cô, như: Ariêu Caar, Ariêu Piing, Ariêu Aza được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Vào các dịp lễ hội, chính quyền địa phương tổ chức tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào tại làng A Nôr, tại phiên chợ vùng cao A Lưới. Đó là lễ hội Aza, đám cưới truyền thống, các trò chơi dân gian leo cột, kéo co, cà kheo…
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Trong thời gian tới, dựa vào những nét đặc trung của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những hoạt động văn hoá lâu nay được trao truyền, bảo tồn trong cộng đồng, chúng tôi tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hoá đặc sắc. Trong các dịp lễ hội, các sự kiện lớn của địa phương, chúng tôi tiếp tục tái hiện các hoạt động lễ hội. Các hoạt động văn hoá truyền thống khác, dân ca, dân vũ sẽ được đưa vào trong các hoạt động trải nghiệm của khách du lịch".
Sơn La, Thừa Thiên Huế chỉ là 2 trong số rất nhiều tỉnh, thành đang triển khai việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu sổ. Tính trên cả nước, đến nay, Việt Nam có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc được đầu tư bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Từ đó, nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng, điểm văn hóa, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, 3 bảo tàng của Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. 145 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc thiểu số ít người.
Củng cố sức mạnh nội sinh
Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là cơ sở quan trọng trong định hướng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn vừa qua. Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá.
Đặc biệt, “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã lồng ghép nhiều mục tiêu, nguồn lực gắn với chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tộc người.
Việc phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc thiểu số, trong đó có những dự án bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển cộng đồng, là minh chứng thể hiện sự quan tâm cụ thể của Đảng, Nhà nước, đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Qua đó, giữ gìn tính đa dạng văn hóa, củng cố tình đoàn kết các dân tộc, là động lực phát triển kinh tế -xã hội nói chung, đặc biệt là để khẳng định với thế giới về giá trị, bản sắc, sự giàu có phong phú, đa dạng về văn hóa của dân tộc Việt Nam.