Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Cuộc sát hạch với chính quyền đương nhiệm

(VOV5) – Cuộc bầu cử giữa kỳ là cuộc đua “sống còn” với chính sách của các đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội 2 năm tới. 

Ngày 4/11, hơn 100 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để chọn người đại diện ở tòa nhà Quốc hội liên bang. Cho dù không mang tính quyết định song kết quả bầu cử giữa kỳ lần này có ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2 năm tới. Chưa rõ kết quả cuối cùng ra sao nhưng các nhà quan sát chính trị cho rằng Tổng thống Barack Obama sẽ gặp nhiều khó khăn cho 2 năm cuối của nhiệm kỳ của mình.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Cuộc sát hạch với chính quyền đương nhiệm - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham gia cuộc bầu cử sớm tại Illinois hôm 20/10 - Ảnh: Reuters
Sở dĩ được gọi là bầu cử giữa kỳ bởi nó được tổ chức vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống, mặc dù phiếu bầu là chọn ghế trong Quốc hội (cả Hạ viện lẫn Thượng viện) và một số ghế thống đốc tiểu bang. Trong Quốc hội, tất cả 435 nghị sỹ Hạ viện đều đối mặt với cử tri, cứ hai năm một lần. Tuy nhiên chỉ 1/3 trong số 100 ghế tại Thượng viện là nằm trong diện tranh cử mỗi lần. Năm nay, 37 ghế Thượng viện được tranh và có 37 ghế thống đốc bang để cử tri bỏ phiếu.

Vì sao bầu cử giữa kỳ quan trọng?
Trước hết, cuộc bầu cử giữa kỳ là cuộc đua “sống còn” với chính sách của các đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội 2 năm tới. Dựa theo kết quả cuộc bầu cử, những ứng cử viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ được đề cử trở thành người lãnh đạo quốc gia sẽ duyệt xét lại lập trường, quan điểm chính trị của mình, điều chỉnh đường lối hoạt động, kế hoạch tranh cử để phù hợp với nguyện vọng của người dân. Kết quả cuộc bầu cử thống đốc ở một số tiểu bang cũng quyết định danh sách những ứng cử viên có thể ra tranh cử Tổng thống.

Tại thời điểm này, đảng Dân chủ chiếm đa số trong Thượng viện với 53 ghế, so với 45 ghế của đảng Cộng hòa và 2 ghế độc lập. Còn tại Hạ viện, đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế với 233 ghế so với 199 ghế của đảng Dân chủ. Cả hai đảng đều đang hy vọng có thể thay đổi tương quan lực lượng tại cuộc bầu cử lần này. Bởi lẽ đảng nào chiếm được nhiều lá phiếu của cử tri, đảng đó sẽ nắm quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, trực tiếp điều khiển cả hành pháp lẫn lập pháp.

Đặt niềm tin và đảng nào, Cộng hòa hay Dân chủ?
Đây là băn khoăn của hầu hết cử tri tại cuộc bầu cử lần này. Băn khoăn của cử tri là hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ Quốc hội khóa 113 hiện nay bị chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Thị trường lao động, tuy có cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 10 vẫn ở mức cao 5,9% so với mục tiêu 5% mà Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đặt ra.

Chính trường Mỹ, trong 6 năm ông B.Obama làm tổng thống, luôn rơi vào tình trạng khó khai thông ở hàng loạt vấn đề như chi tiêu ngân sách, cải cách luật nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe…. Dù ghi điểm khi thực hiện được lời hứa rút quân khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan, song nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama, lại phải đối mặt với chiến dịch chống lại nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria mà chưa biết còn kéo dài bao lâu. Phong trào “Mùa xuân Arab” quét qua hàng loạt các nước Trung Đông và Bắc Phi, những tưởng đem lại nền dân chủ thực sự, nhưng cho đến nay các quốc gia này vẫn trong tình trạng rối loạn vô chính phủ. Tiến trình hòa đàm Palestines-Israel không có bước tiến, thậm chí rơi vào bế tắc. Quan hệ giữa Mỹ và Nga dù được “cài đi đặt lại” song hiện đang có nguy cơ trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó nước Mỹ cũng phải chi nhiều tiền của, nhân lực cho cuộc chiến chống đại dịch Ebola đã xâm nhập vào bên trong lãnh thổ.

Thách thức với Tổng thống Barack Obama
Trong bối cảnh trên, giới phân tích dự đoán đảng Cộng hòa có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ do cử tri phần nào thất vọng với các quyết sách của chính quyền. Theo một cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, 50% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa và 44% nghiêng về phía đảng Dân chủ. Cơ hội thắng cử của đảng Cộng hòa tại Thượng viện hiện là 62,3%, trong khi cơ hội của đảng Dân chủ chỉ là 37,7%. Nếu điều này thực sự xảy ra, Tổng thống đảng Dân chủ B.Obama sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy bầu cử giữa kỳ là cuộc bầu cử mà người dân dùng lá phiếu để bày tỏ quan điểm với tổng thống và đảng của tổng thống. Phạm vi hoạt động của chính quyền đương nhiệm của Tổng thống B.Obama đang được đặt trong tay các cử tri. Hạ viện sẽ vẫn thuộc về phe Cộng hòa, điều đó là hiển nhiên và không bàn cãi. Ngược lại, Thượng viện, hiện đang nằm trong tay phe Dân chủ, đang có nguy cơ ngả sang đảng đối lập. Hiện chưa rõ kết quả ra sao nhưng giới quan sát chắc chắn rằng nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống B.Obama sẽ kết thúc khó khăn. Nhiều dự thảo luật quan trọng như đóng cửa nhà tù Guantanamo, đạo luật Obamacare hay vấn đề giải quyết tình trạng nhập cư, có thể không bao giờ trở thành hiện thực. Cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa có thể dùng là phiếu của mình để giúp đảng này có thế vững vàng hơn ở Thượng viện, mở đầu cho mục tiêu lấy được ghế tổng thống để điều khiển hành pháp vào năm 2016./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác