(VOV5) - Tiến trình đàm phán Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit) được khởi xướng từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh năm 2016.
Năm 2018 đang dần khép lại với quá nhiều diễn biến phức tạp trong đời sống chính trị quốc tế. Có những hành trình đã cán đích thành công, song có những hành trình vẫn còn đang dang dở. Tiến trình Brexit trong năm qua có thể coi là một chặng đường quá gian nan bởi cho đến giờ phút này, cuộc chia tay vẫn còn chưa ngã ngũ và kịch bản Brexit có thể hoàn tất tháng 3/2019 như dự kiến ban đầu, đang trở nên hết sức mong manh.
Ảnh: TTXVN |
Tiến trình đàm phán Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit) được khởi xướng từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh năm 2016. Từ đó đến nay, tiến trình đàm phán diễn ra không hề suôn sẻ giữa EU với xứ sở sương mù, đặc biệt là trong năm 2018, những bất đồng trong nội bộ Anh khiến thỏa thuận không thể thông qua ở Quốc hội và rơi vào thế bế tắc. Một kịch bản Brexit không thỏa thuận (No deal), không Brexit (No Brexit at all) hay một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 đang được nhắc đến nhiều.
Brexit đạt thỏa thuận song mắc kẹt trong nội bộ Anh
Mặc dù tiến trình đàm phán vô cùng cam go, trắc trở, song với nỗ lực từ hai phía, nhất là những tháng cuối năm 2018, một số vướng mắc, bất đồng đã được tháo gỡ. Dù từng nhiều lần đưa ra quan điểm cứng rắn, song cả Anh và EU cuối cùng đều đã có những nhượng bộ.
Ngày 13/11/2018, các nhà đàm phán của hai bên đạt được một dự thảo thỏa thuận đồ sộ, dày hơn 500 trang, bao gồm 185 điều khoản, 3 Nghị định thư và rất nhiều phụ lục. Trọng tâm của thoả thuận, ngoài các vấn đề về quy chế công dân Anh và EU “hậu ly hôn”, hóa đơn chia tay trị giá 45 tỷ euro, Điểm mới nhất, và cũng là quan trọng nhất, là vấn đề biên giới Bắc Ireland. Để đảm bảo không tái lập lại biên giới cứng giữa vùng đất Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với nước Cộng hòa Ireland thuộc EU thì hai bên đã đưa ra giải pháp là duy trì cả Vương quốc Anh, chứ không chỉ riêng Bắc Ireland, trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ. Thời gian quá độ cụ thể chưa được nêu ra nhưng trên lý thuyết là sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và EU hoàn tất được một thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, trong thời gian quá độ này, Bắc Ireland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của EU so với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Việc London đạt được thỏa thuận về mặt kỹ thuật với EU được coi là một thắng lợi quan trọng đối với Chính phủ Anh. Những tưởng tiến trình này sẽ diễn ra suôn sẻ và về đích đúng hạn tháng 3/2019. Tuy nhiên, một loạt nghị sĩ, chính trị gia kể cả của đảng cầm quyền lẫn phe đối lập đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận nói trên. Chính trường Anh dậy sóng khi có tới 4 Bộ trưởng đệ đơn từ chức nhằm phản đối Thủ tướng T.May về đàm phán Brexit.
Ảnh: TTXVN |
Điều đáng nói hơn cả là kết quả thăm dò dư luận có tới một nửa số cử tri Anh ủng hộ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân để lựa chọn lại tiến trình Brexit (trưng cầu dân ý lần 2) và gần 50% số người Anh muốn ở lại EU. Tình cảnh trên đặt chính trường Anh vào thời điểm hết sức khó khăn.
Vẫn dùng dằng nửa ở nửa đi
Theo kế hoạch Brexit, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019. Nếu đến ngày đó không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào. Theo kịch bản này thì ngay sau ngày 29/3/2019, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Đến thời điểm này, nội các Anh dường như đã tính đến phương án Brexit không có thỏa thuận, đồng thời thông báo sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo Brexit vào giữa tháng 1 tới. Nếu đúng như vậy thì những thiệt hại kinh tế mà tiến trình Brexit gây ra cho kinh tế Anh là không thể đong đếm. Trong một báo cáo mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ sụt giảm khoảng 4% trong khi GDP của 27 nước thành viên EU giảm 0,5%. Chưa kể khả năng xảy ra hỗn loạn dẫn đến bao loạn là rất cao.
Để đưa Brexit về đích thành công, trước hết bà T.May phải tạo dựng được niềm tin với các nghị sĩ, đưa nước Anh vượt qua sóng gió ngay trong tháng đầu của năm mới. Tuy nhiên, trước những diễn biến hiện nay, dường như đây là nhiệm vụ bất khả thi. Như lời một quan chức xứ sở sương mù đã từng mô tả tình trạng hiện nay: "Có một cảm giác tê liệt, chúng ta đối mặt với thời hạn và đồng hồ đang đếm ngược nhanh bao giờ hết, các phe phái muốn những điều rất khác nhau và sự thỏa hiệp đã không tồn tại".