(VOV5) - Mâu thuẫn giữa các nước thành viên EU xung quanh chương trình tái phân bổ người di cư rõ ràng đã cản trở việc thực hiện cam kết của EU trong việc giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italy, 2 quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư từ năm 2015.
Ngày 6/9, Tòa án Tư pháp châu Âu đã bác khiếu nại của Hungary và Slovakia đối với kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư giữa các nước thuộc EU. Tuyên bố khẳng định cơ chế này tính toán cân đối việc phân bổ người di cư để hỗ trợ Hy Lạp và Italy đối phó với tác động từ cuộc khủng hoảng người di cư 2015. Tuy nhiên phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, bởi nó gây thêm mâu thuẫn giữa các nước thành viên trong EU.
Dòng người di cư chen nhau lên tàu tại nhà ga Keleti ở Budapest ngày 10/9. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
|
Tuyên bố chính thức của Tòa án tư pháp châu Âu ngày 6/9 nêu rõ "Tòa án bác bỏ những hành động của Slovakia và Hungary chống lại cơ chế tạm thời về việc tái bố trí bắt buộc đối với những người tị nạn". Theo phán quyết, Hungary phải tiếp nhận hơn 1200 người, Slovakia phải tiếp nhận hơn 800 người.
Hạn ngạch nhập cư vấp phải sự phản đối từ 2 năm trước
Thực tế cho thấy các nước thành viên của EU đã bị chia rẽ sâu sắc kể từ khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn năm 2015. Khi đó, Tòa án Tư pháp châu Âu đã yêu cầu các nước trong khối cần có sự chung tay giải quyết vấn đề này. Tùy theo khả năng của mình, các nước sẽ phải nhận một lượng người nhập cư nhất định. Trong khi các nước lớn và có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia nhận khoảng 1 - 2%. Mặc dù việc phân chia này đã được EU thông qua theo đa số từ tháng 9/2015 nhưng kế hoạch phân bổ người nhập cư đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước Trung và Đông Âu, trong đó có Slovakia, Czech, Romania và Hungary. Các quốc gia này đã bỏ phiếu chống lại các hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư bắt buộc. Vì vậy, theo thống kê, tới tháng 7-2017, mới chỉ có hơn 20 nghìn người được tái định cư theo kế hoạch. Đức là nước tiếp nhận nhiều nhất, với khoảng 4 nghìn người, tiếp đó là Pháp với hơn 3700 người, Hà Lan gần 1600 người và Thụy Điển khoảng 1200 người. Hungary và Ba Lan chưa tiếp nhận người tị nạn nào, trong khi CH Cezch cũng từ chối việc này trong suốt hơn một năm qua, còn Slovakia chỉ chấp nhận số lượng người ít ỏi.
Có nhiều lý do khiến các quốc gia Trung và Đông Âu từ chối không tiếp nhận người tị nạn. Thứ nhất là bởi họ cho rằng việc áp đặt hạn ngạch lên các quốc gia thành viên có chủ quyền là phi lý và không thể chấp nhận được. Thứ hai, Trung và Đông Âu là những nước nghèo ở châu Âu. Thứ ba, lý do quan trọng hơn, đó là những lo ngại mới về nguy cơ an ninh tiềm ẩn. Một loạt các cuộc tấn công khủng bố tại một số nước Tây Âu thời gian gần đây, trong đó có các vụ tấn công ở Anh, Đức, làm dấy lên những lo ngại về các cuộc khủng bố tương tự tại các quốc gia Trung và Đông Âu.
Khó khăn để tìm được tiếng nói chung
Phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu ngày 6/9 được cho là một thất bại đối với sự đoàn kết và thống nhất của EU. Biểu hiện rõ nhất là ngay sau khi phán quyết được đưa ra, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết nước này sẽ không thay đổi quan điểm đối với cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư. Slovakia sẽ tiếp tục đấu tranh trong vấn đề này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto chỉ trích quyết định của Tòa Tư pháp châu Âu là "vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được", đe dọa đến an ninh và tương lai của châu Âu. Tổng thống Cezch Milos Zeman thì khẳng định Cezch không cần phải chấp nhận các cơ chế bắt buộc về phân bổ người di cư giữa các nước thành viên trong liên minh. Thậm chí Tổng thống Zeman nhấn mạnh nước này chấp nhận mất các nguồn hỗ trợ tài chính của EU để đổi lại không phải tiếp nhận người di cư. Praha có thể tham gia nỗ lực giải quyết khủng hoảng bằng hình thức khác chứ không nhất thiết phải tiếp nhận người tị nạn. Sau tuyên bố của Tổng thống, Prague cũng đã triển khai thêm 1.100 cảnh sát ở nước ngoài nhằm bảo vệ biên giới, theo dõi tình hình, kiểm tra an ninh và kiểm tra các phương tiện vận tải.
Người di cư tại khu vực biên giới Serbia - Croatia gần làng Berkasovo của Serbia ngày 22/10 (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Về phía EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cảnh báo các nước phản đối kế hoạch của khối sẽ mất đi sự hỗ trợ tài chính nhận được từ việc quản lý dòng chảy người nhập cư. Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU về nhập cư Dimitris Avramopoulos khẳng định Hungary, CH Cezch và Ba Lan sẽ phải đối mặt với các chế tài xử phạt theo quy định của khối nếu không thực thi nghĩa vụ của mình trong vài tuần tới. Italy cũng kêu gọi cắt giảm trợ cấp cho các nước không thể hiện nỗ lực trong việc tiếp nhận người tị nạn. Trong khi đó, ngày 10/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo những nước không chịu tham gia vào chương trình phân bổ hạn ngạch người nhập cư có thể sẽ bị từ chối giúp đỡ trong các lĩnh vực khác. Nhà lãnh đạo Đức khẳng định nếu không có sự đoàn kết trong giải quyết vấn đề người di cư thì cũng sẽ không có sự đoàn kết trong các lĩnh vực khác và đó sẽ là nỗi đau trong khối gắn kết của châu Âu.
Mâu thuẫn giữa các nước thành viên EU xung quanh chương trình tái phân bổ người di cư rõ ràng đã cản trở việc thực hiện cam kết của EU trong việc giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italy, 2 quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư từ năm 2015. Và phán quyết mới nhất của Tòa án Tư pháp châu Âu càng cho thấy rõ sự chia rẽ trong nội bộ EU. Điều này khiến EU thêm khó khăn trong bối cảnh Liên minh đang phải gồng mình xử lý hậu quả của việc Anh rời khỏi khối.