(VOV5) - Việc quyết định can dự quân sự vào Afghanistan được cho là lựa chọn bất đắc dĩ của Tổng thống Donald Trump vì từ khi tranh cử tới nay, ông Trump không muốn nước Mỹ bị sa lầy thêm nữa ở Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/8 vừa qua đã công bố chiến lược mới của nước này tại Afghanistan. Bản chiến lược an ninh đầu tiên về địa điểm nóng bỏng ở Nam Á kể từ khi ông Trump nắm quyền chủ yếu tập trung vào nỗ lực chống khủng bố đồng thời tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Afghanistan và giúp người dân nước này làm chủ tương lai của mình. Mục đích của chiến lược đã rõ song hiệu quả đến đâu mới là quan trọng khi thực tế cho thấy những nỗ lực giải quyết cuộc chiến kéo dài 16 năm qua tại Afghanistan nói riêng và những mục tiêu khác của Mỹ tại khu vực Nam Á nói chung chưa như mong đợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu công bố chiến lược mới tại Afghanistan trong sự kiện ở Arlington, Virginia ngày 21/8. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tuyên bố về chiến lược an ninh mới, Tổng thống Donald Trump khẳng định ông đã nghiên cứu “rất chi tiết và từ tất cả các góc độ” về Afghanistan. Lực lượng Mỹ ở Afghanistan sẽ giành chiến thắng và sẽ ngăn chặn việc các tay súng Hồi giáo biến Afghanistan thành "thiên đường an toàn", từ đó làm bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.
Lựa chọn bất khả kháng của ông Trump
Việc quyết định can dự quân sự vào Afghanistan được cho là lựa chọn bất đắc dĩ của Tổng thống Donald Trump vì từ khi tranh cử tới nay, ông Trump không muốn nước Mỹ bị sa lầy thêm nữa ở Afghanistan.
Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng "bản thân có ý định rút quân" khỏi Afghanistan bởi cuộc chiến tranh tại quốc gia Nam Á này đã tiêu tốn quá nhiều tiền của và nhân lực của Mỹ. Lo ngại của ông Trump là xác đáng vì kể từ khi Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố phát động cuộc chiến chống khủng bố mang tên "Chiến dịch Tự do vĩnh cửu" nhằm tiêu diệt Al Qaeda tại Afghanistan vào tháng 10/2001 đến nay đã 16 năm.
Trải qua 3 đời Tổng thống Mỹ nhưng cuộc xung đột ở Afghanistan vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, bất chấp việc Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và hơn 2.400 lính Mỹ thiệt mạng tại chiến trường này.
Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng đã bị các cố vấn an ninh quốc gia thuyết phục về việc tăng cường khả năng của Mỹ nhằm ngăn chặn phiến quân Taliban. Ông cũng nhận thấy rằng mối đe dọa an ninh mà nước Mỹ đang phải đối mặt ở Afghanistan và cả khu vực là rất lớn.
Hơn nữa, bỏ mặc Afghanistan đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận thất bại cả trước mắt và đối mặt với nguy cơ lâu dài về khủng bố và cực đoan. Một khi Mỹ rút quân, mảnh đất dành cho khủng bố và cực đoan càng thêm màu mỡ vì đến nay, Taliban vẫn trỗi dậy mạnh mẽ, chiếm lại nhiều khu vực trên lãnh thổ Afghanistan và thường xuyên tiến hành hàng loạt vụ tấn công quân đội Chính phủ.
Cho tới nay, lực lượng quân đội Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn mới chỉ kiểm soát được 59,7% trong tổng số 407 quận, huyện trên khắp lãnh thổ nước này. Trong khi đó, sau khi bị công kích dồn dập ở Iraq và Syria, IS cũng đang trên đường tháo chạy và tìm kiếm các căn cứ mới, trong đó Afghanistan là một địa điểm lý tưởng.
Dư luận hoài nghi
Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến lược an ninh mới ở Afghanistan là chiến lược có sự thay đổi mạnh mẽ nhưng dư luận cho rằng kế hoạch này chưa có nhiều khác biệt so với chiến lược của những người tiền nhiệm như Barack Obama hay trước đó là George W.Bush.
Ngay cả những người ủng hộ phương án của ông Donald Trump cũng bị ám ảnh bởi nguy cơ nước Mỹ tiếp tục sa lầy khi bản kế hoạch mới không có sự bảo đảm nào để nước Mỹ có thể sớm giành chiến thắng cuối cùng ở chiến trường Tây Nam Á này. Tuy người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng mục tiêu của Mỹ là giành chiến thắng nhưng ông không nói rõ đó là chiến thắng như thế nào. Lực lượng Taliban, al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đầu hàng hay là trao cho Taliban một vai trò trong chính quyền Afghanistan với điều kiện nào đó.?
Lính thủy đánh bộ Mỹ ở tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trong chiến lược này, một mặt ông Trump nói sẽ không đặt hạn chót rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan nhưng ông không giải thích tại sao lại có ý định bổ sung thêm vào nghìn binh sĩ nữa tới đây. Ông cũng không giải thích tại sao vài nghìn binh sĩ này có thể làm được điều mà khoảng 100.000 binh sĩ ở Afganistan trong năm 2010-2011 không thể làm được thời ông Barack Obama.
Ngoài ra, đưa thêm binh sĩ Mỹ vào Afghanistan sẽ không khiến tình hình khá hơn mà còn có thể khiến mọi chuyện xấu đi khi quốc gia này không chỉ có 1 mà tới 5 cuộc xung đột (tranh giành quyền lực kéo dài hàng thế kỷ giữa người Pashtun và các cộng đồng dân tộc khác; xung đột giữa các bộ lạc Durrani và Ghilzai Pashtun, cuộc chiến văn hóa giữa giới thành thị tân tiến và giới bảo thủ tôn giáo ở nông thôn, chiến tranh lạnh giữa Ấn Độ và Pakistan, căng thẳng giữa nhóm Taliban ở Pakistan và Afghanistan).
Ông Trump cũng muốn sử dụng mọi công cụ để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, ngân sách tài khóa 2018 mà ông đề xuất sẽ khiến điều đó là bất khả thi vì ông đã yêu cầu cắt giảm mạnh ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Cựu Tổng thống George W. Bush và cựu Tổng thống Barack Obama đều đưa ra những cách tiếp cận khác nhau nhằm sớm khép lại cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan, song kết quả không như mong đợi.
Trong đánh giá công bố hồi tháng 5 vừa qua, các cơ quan tình báo Mỹ nhận định tình hình tại Afghanistan chắc chắn sẽ xấu đi trong năm tới, cho dù Mỹ và các lực lượng đồng minh triển khai thêm binh lính. Thực tế trên cho thấy, Afghanistan sẽ tiếp tục là vấn đề khiến chính quyền Mỹ đau đầu trong thời gian tới và an ninh, ổn định vẫn là những khái niệm mơ hồ tại quốc gia Tây Nam Á này.