(VOV5) - Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố có nguy cơ lan rộng, hàng loạt các quốc gia, cộng đồng quốc tế những ngày qua đã có nhiều động thái nhằm ngăn chặn nguy cơ này. Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố là lâu dài và đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng giữa các bên.
|
Tân vương Salman của Ả rập Saudi tại lễ khai mạc Hội nghị Hồi giáo quốc tế chống khủng bố tại Mecca- Ảnh: Reuters |
Trong vài ngày qua, 2 Hội nghị quốc tế lớn về chống khủng bố lần lượt diễn ra tại Mỹ và Arab Saudi nhằm tìm tiếng nói chung của cộng quốc tế trong cuộc chiến chống lại hiểm họa này. Cùng với các Hội nghị trên, nhiều quốc gia cũng tuyên bố kế hoạch riêng để ngăn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố tại chính đất nước mình.
Từ nỗ lực của quốc tế đến sự chủ động của từng quốc gia
Tại Hội nghị quốc tế với chủ đề “Hồi giáo và chiến dịch chống khủng bố” đang diễn ra ở thánh địa Mecca của Arab Saudi, tân Quốc vương nước này Salman bin Abdulaziz Al Saud phát đi thông điệp rằng “Cần phải bảo vệ hình ảnh của người Hồi giáo toàn cầu khỏi sự hủy hoại của chủ nghĩa khủng bố”. Trong 4 ngày hội nghị, 700 đại biểu là các quan chức, học giả các nước Hồi giáo thảo luận về những nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố để từ đó vạch ra kế hoạch toàn diện chống khủng bố. Hội nghị cũng là dịp để các quốc gia và học giả Hồi giáo xem xét các nguyên nhân tôn giáo của chủ nghĩa khủng bố cũng như các nguyên nhân kinh tế và xã hội, giáo dục, văn hóa và truyền thông…của chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành trên thế giới hiện nay.
Ngay trước Hội nghị trên, tại Mỹ cũng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan (từ 18 đến 20/02) với sự tham gia của hàng trăm đại diện của hơn 60 quốc gia, trong đó có các nhà lập pháp, thống đốc và thị trưởng các thành phố của Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Đại diện hơn 60 nước nhất trí phác thảo một lộ trình hướng tới các cuộc đối thoại liên quan đến chống chủ nghĩa khủng bố.
Cùng với 2 Hội nghị mang tầm quốc tế trên, trong những ngày qua, từng quốc gia công bố nhiều hành động cụ thể chống IS. Vài ngày sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, ngày 23/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter quả quyết chắc chắn đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại cuộc họp với các tướng lĩnh, các nhà ngoại giao hàng đầu ở Kuwait để xem xét nỗ lực chiến đấu chống nhóm thánh chiến này. Cuộc họp không chỉ bàn về cuộc chiến ở Iraq và Syria, nơi các máy bay của Mỹ và liên quân đang hàng ngày oanh kích IS, mà còn bàn cách mở rộng cuộc chiến trong khu vực chống IS. Cùng ngày, Pháp tuyên bố triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle tham gia cuộc chiến chống IS ở Iraq. Việc triển khai tàu chiến này sẽ giảm được phân nửa thời gian máy bay tới Iraq trong chiến dịch không kích IS so với xuất phát từ căn cứ ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Trong khi đó, một quan chức giấu tên thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tiết lộ khoảng hơn 20.000 lính Iraq và binh sĩ người Kurd đang chuẩn bị để tái chiếm Mosul, thành phố lớn nhất hiện nằm trong tay quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Chiến dịch sẽ được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 5. Cùng với việc tăng cường an ninh trong nước, Thủ tướng Anh David Cameron thì cho rằng các mạng xã hội cần hành động nhiều hơn nữa nhằm chống lại âm mưu của các nhóm cực đoan chiêu mộ các tay súng thánh chiến qua mang internet, đặc biệt sau sự biến mất của 3 nữ sinh nước này được cho là đã sang Syria. Tại Bỉ, Chính phủ Bỉ nước này công bố kế hoạch chống khủng bố và Hồi giáo cực đoan gồm 12 biện pháp, trong đó tăng cường sự hiện diện của binh sỹ trên các đường phố và tăng cường an ninh tại các tòa nhà được đánh giá có nguy cơ cao. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, Jan Jambon dự kiến tạo một cơ sở dữ liệu về danh sách những chiến binh Hồi giáo tiềm năng.
Hiểm họa hiện hữu, phối hợp chưa thống nhất
Tuy nhiều biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố được công bố song thực tế nguy cơ hiện diện của khủng bố vẫn là mối nguy lớn. Tại Bỉ, Sở an ninh liên bang nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì cảnh báo an ninh mức cao vẫn có giá trị. Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhận định rằng các phần tử thánh chiến gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với châu Âu khi ngày càng có nhiều quan ngại về nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), lực lượng chiếm giữ các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria, cũng đã thiết lập cơ sở vững chắc ở Libya. Theo giới phân tích, cộng đồng quốc tế không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tổ chức khủng bố trên mở rộng hoạt động ở quốc gia Bắc Phi này.
Cùng với nguy cơ khủng bố hiện hữu, việc thống nhất trong phối hợp hành động giữa các quốc gia cũng là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khaled Al-Obeidi chỉ trích Mỹ vì công bố khung thời gian tiến hành chiến dịch quân sự nhằm tái chiếm thành phố Mosul từ tay IS. Ông Al-Obeidi khẳng định với một chiến dịch quân sự như vậy, giới chỉ huy quân sự không được phép tiết lộ bí mật. Ông Al-Obeidi đánh giá đây sẽ là trận chiến trong thành phố, nơi có nhiều dân thường sinh sống, nên đòi hỏi sự chính xác và kiên nhẫn khi lập kế hoạch tác chiến.
Không thể phủ nhận những thành quả mà quốc tế đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố thời gian qua. Tuy nhiên để cuộc chiến này có hiệu quả, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực và có sự phối hợp nhịp nhàng hành động trên nhiều phương diện, không đơn thuần chỉ trên bình diện quân sự./.