Những thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố

(VOV5) - Mặc dù Mỹ đã quy tụ được khoảng 60 nước cùng tập hợp dưới ngọn cờ liên minh quốc tế chống IS, nhưng cho đến nay những chiến dịch tiêu diệt IS chưa thực sự phát huy hiệu quả. 

Những thách thức trong cuộc chiến chống khủng bố - ảnh 1
Các chiến binh IS vẫn đang thách thức liên minh do Mỹ dẫn đầu (Ảnh: khai thác internet)


Một trong những diễn biến có tầm tác động rộng lớn nhất đến toàn thế giới năm 2014 là sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chỉ trong thời gian ngắn, IS đã bộc lộ bản chất cực đoan, tàn bạo và công khai chống lại mọi quốc gia, dân tộc. Dù liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã có nhiều nỗ lực đối phó với tổ chức này, song cuộc chiến chống IS, được dự đoán sẽ còn rất nhiều thử thách trong năm 2015 và những năm tiếp theo.


Dưới tên cũ là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), IS được thành lập vào tháng 4/2014, bắt nguồn từ nhóm al-Qaeda tại Iraq. Không giống các nhóm khủng bố khác tại Syria, mục tiêu mà IS nhắm đến là thành lập một vương quốc Hồi giáo, bao gồm các khu vực trải dài từ lãnh thổ Syria tới Iraq. Sự liên kết về ý thức hệ, biết áp dụng thành thạo những chiến lược, chiến thuật quân sự và có nguồn tài chính dồi dào, là những lý do khiến IS vượt qua tất cả những nhóm khủng bố trước đây để trở thành nhân tố thách thức trật tự địa chính trị ở “chảo lửa” thế giới và reo rắc nỗi sợ hãi trên toàn cầu.


Phát động ngọn lửa thánh chiến toàn cầu


Có thể khẳng định, chỉ trong thời gian ngắn, IS đã bộc lộ bản chất cực đoan, tàn bạo và công khai chống lại mọi quốc gia, dân tộc. Từ quân số khoảng 10-30 nghìn lúc ban đầu, đến nay theo ước tính, tổ chức này có khoảng 200 nghìn tay súng. Đáng chú ý, trong hàng ngũ này có tới 10% là các tay súng nước ngoài đến từ khắp châu lục. Lực lượng này có thể sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở bất cứ địa bàn nào. Không chỉ đẩy mạnh tấn công đánh chiếm những vùng lãnh thổ ở Trung Đông, IS còn khiến cả thế giới rúng động khi liên tục thực hiện các vụ hành quyết dã man nhằm vào các con tin, bao gồm cả dân thường và công dân nước ngoài, nhằm dằn mặt chính phủ và những người chống lại lực lượng này. 


Cùng với việc khủng bố tinh thần các đối thủ thông qua việc phát hành thông tin về các tội ác ghê rợn của mình, nhóm IS còn tăng cường gia nhập những tổ chức thánh chiến cực đoan khác và tham gia tích cực vào các hoạt động của al-Qaeda để “phát động ngọn lửa thánh chiến toàn cầu”.


Nỗ lực bước đầu trong cuộc chiến chống IS


Trước việc tập hợp phát triển lực lượng của IS và mức độ tàn khốc của những hành động mà tổ chức này gây ra, cộng đồng quốc tế đã có những động thái tích cực đầu tiên trong việc chống IS. Tháng 8/2014, một liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu nhanh chóng được thành lập với sự tham gia của hơn 40 quốc gia, trong đó hơn 20 quốc gia đã có hành động thực tế tại Iraq và Syria nhằm chặn đứng bước tiến của IS. Các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh đã phần nào chặn được đà tấn công của IS. Từ tháng 8/2014, IS đã không thể chiếm thêm các đô thị của Iraq, mà trái lại còn bị đẩy lùi khỏi nhiều khu vực ở miền Bắc. Tại Syria, nhiều cơ sở hạ tầng của IS bị đánh phá nặng nề. Nguồn cung cấp tài chính, vũ khí và nhân lực cho IS đang bị cộng đồng quốc dùng các biện pháp phong tỏa ngăn chặn quyết liệt.


Khó “nhổ cỏ tận rễ”


Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng mặc dù Mỹ đã quy tụ được khoảng 60 nước cùng tập hợp dưới ngọn cờ liên minh quốc tế chống IS, nhưng cho đến nay những chiến dịch tiêu diệt IS chưa thực sự phát huy hiệu quả. Việc liên minh tiến hành không kích chỉ giúp tiêu diệt được một số mục tiêu của IS và đẩy lùi một phần các mũi tiến công của lực lượng này. Dường như việc không kích của liên quân càng khiến các tay súng IS trở nên cực đoan hơn, tàn bạo hơn và rút vào hoạt động bí mật trong các cộng đồng dân cư nhằm hạn chế tổn thất. Một thực tế khó lý giải nữa là dù có phương thức hoạt động vô cùng tàn bạo và tư tưởng cực đoan nhưng IS lại đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tổ chức và cá nhân cực đoan trên thế giới, tạo ra mối đe dọa thường trực cho các chính phủ ở khắp các châu lục.Hầu hết các tổ chức thánh chiến lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Á, Viễn Đông tới những cá nhân theo quan điểm cực đoan đều lên tiếng ủng hộ lực lượng này. Chính sự ủng hộ rộng khắp này đã tạo ra mối đe doạ thường trực cho các quốc gia mà vụ xả súng ở Paris, Pháp hôm 7/1 là một bằng chứng cho thấy thế giới chưa thể miễn nhiễm với các vụ tấn công khủng bố.


Có một điều dễ nhận thấy khiến cuộc chiến IS chưa đi đến kết quả cuối cùng, đó là các bên chưa hoàn toàn gạt bỏ mọi hiềm khích, vẫn dè chừng lẫn nhau và gần như ngầm tìm mọi cách không để “đối tác” của mình hưởng lợi từ mỗi thất bại của IS. Cho đến nay, Iran, Syria, hai quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng trong khu vực Trung Đông vẫn đứng ngoài liên minh quốc tế. Còn Nga cũng không mặn mà bắt tay với Mỹ trong cuộc chiến này. Dù không cản trở cuộc chiến chống IS nhưng các nước này đều đó lý do riêng để đứng bên ngoài. Với Nga là vấn đề Ukraine, Iran là hồ sơ hạt nhân và với Syria là việc chính quyền không được thừa nhận. Những diễn biến hiện nay cho thấy chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh kinh hoàng chừng nào liên minh quốc tế không thực sự “đồng tâm hiệp lực”, các bên không gạt bỏ lợi ích riêng của mình để chung tay tiêu diệt kẻ thù chung./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác